Nếu bạn đã chán chế độ chụp tự động trên máy ảnh số của mình và muốn thử nghiệm với các chế độ chụp tùy chỉnh bằng tay thì việc đầu tiên bạn cần phải biết là ba yếu tố ảnh hưởng đến ánh sáng của ảnh gọi là tam giác phơi sáng - Exposure Triangle.

Tìm hiểu về phơi sáng - Tam giác phơi sáng trong nhiếp ảnh

Tam giác phơi sáng là gì

Ba yếu tố tạo thành một tam giác phơi sáng - Exposure Triangle đó là Khẩu độ - Aperture, Tốc độ - Shuter Speed và Độ nhạy sáng - ISO. Mỗi yếu tố của tam giác phơi sáng đều liên quan đến ánh sáng và các yếu tố này có thể điều chỉnh được trên máy ảnh số.

Tam giác phơi sáng - Exposure Triangle

Nếu bạn chưa biết gì về Khẩu độ - Aperture, Tốc độ - Shuter Speed và Độ nhạy sáng - ISO thì hãy xem các bài hướng dẫn sau đây:

Cách thay đổi độ sáng của ảnh chụp

Bạn có thể thay đổi độ sáng của ảnh chụp bằng 3 cách khác nhau

1

Thay đổi khẩu độ - Aperture

Khẩu độ là độ lớn của ống kính được mở ra khi chụp một tấm ảnh. Khẩu độ càng lớn thì ánh sáng càng tăng. Khi thay đổi khẩu độ cũng sẽ ảnh hưởng tới độ sâu trường ảnh - Depth of Field, có nghĩa là nó sẽ ảnh hưởng tới vùng lấy nét của ảnh chụp. 

Khẩu độ nhỏ thì toàn bộ những gì trong khung ảnh sẽ được rõ nét cho dù ở gần hay xa vị trí chụp còn khẩu độ lớn thì sẽ chỉ có một phần của ảnh được rõ nét, phần còn lại sẽ bị mờ.

2

Thay đổi tốc độ chụp - Shuter Speed

Tốc độ chụp là thời gian mở màn trập để thu nhận ảnh. Tốc độ càng chậm thì ánh sáng càng tăng. Khi thay đổi tốc độ chụp sẽ ảnh hưởng đến sự chuyển động của chủ thể muốn chụp hoặc của chính bạn. Nếu bạn dùng tốc độ chậm để chụp những chủ thể di chuyển hoặc bị rung tay khi chụp thì ảnh của bạn có thể sẽ bị nhòe.  

Để tránh làm mờ các chuyển động và có được những bức ảnh sắc nét, tốc độ màn trập phải ở mức tối thiểu 1/(2 x độ dài tiêu cự ống kính) đối với máy ảnh cảm biến toàn khung hình - Full Frame và 1/(1,5 x độ dài tiêu cự ống kính) cho máy ảnh cảm biến cắt xén - Crop. Lưu ý: quy tắc trên là quy tắc ngón tay cái cho các đối tượng đứng yên, đối tượng chuyển động có thể yêu cầu tốc độ màn trập nhanh hơn.

3

Thay đổi độ nhạy sáng - ISO

Độ nhạy sáng là độ nhạy của cảm biến ánh sáng trong máy ảnh số. Độ nhạy sáng càng lớn thì ánh sáng càng tăng. Tuy nhiên nếu bạn tăng độ nhạy sáng quá lớn thì ảnh chụp sẽ bị nhiễu hạt.  

Hãy luôn sử dụng ISO thấp nhất có thể để đạt được hình ảnh sạch nhất, ít bị nhiễu hạt hơn với dải động và độ sâu màu tốt nhất. Khi chụp ngoài trời, bạn hãy chọn ISO trong khoảng 100 - 400. Khi chụp trong nhà, hãy chọn ISO từ 400 - 3200. Khi chụp trong bóng tối, hãy chọn ISO từ 1600 trở lên. Lưu ý rằng các giá trị này sẽ thay đổi một chút tùy thuộc vào ánh sáng xung quanh trong tình huống thực tế.

Cách điều chỉnh độ phơi sáng khi chụp ảnh

Ảnh chụp bị dư sáng

Ảnh bên trên bị dư sáng khi chụp với các thông số độ nhạy sáng ISO 400 khẩu độ f/16 tốc độ 1/250 Để cân bằng ánh sáng cho ảnh chụp trong trường hợp này, bạn có thể thiết lập các thông số theo một trong các cách sau:

  1. Giảm độ nhạy sáng xuống một mức ISO 200 giữ nguyên khẩu độ f/16 và tốc độ 1/250
  2. Giữ nguyên độ nhạy sáng ISO 400 giảm khẩu độ xuống một mức f/22 và giữ nguyên tốc độ 1/250
  3. Giữ nguyên độ nhạy sáng ISO 400 và khẩu độ f/16 tăng tốc độ lên một mức 1/500

Ảnh chụp có độ phơi sáng tốt hơn sau khi thiết lập các thông số

Cách áp dụng quy tắc tam giác phơi sáng khi chụp ảnh

Quy tắc tam giác phơi sáng khi chụp ảnh là cân bằng độ phơi sáng bằng cách nếu bạn làm giảm sáng xuống một mức khi thay đổi một trong ba yếu tố trong tam giác phơi sáng thì bạn phải tăng độ sáng lên một mức bằng một hoặc hai yếu tố còn lại.

Thí dụ khi chụp ảnh bằng chế độ tự động, máy ảnh đưa ra các thông số như sau:

  • Tốc độ chụp 1/15 giây
  • Khẩu độ f/2.8
  • ISO 1600

Tam giác phơi sáng khi chụp tự động

Nhưng bạn nhận thấy rằng nếu chụp với tốc độ thấp 1/15 có thể sẽ làm ảnh chụp bị nhòe và bạn muốn tăng tốc độ chụp lên 1/60 để có thể cầm máy ảnh mà không sợ bị rung tay.

Bạn hãy lưu ý là khi tăng tốc độ từ 1/15 lên 1/60 là tăng lên hai mức, do đó ánh sáng cũng sẽ giảm xuống hai mức. Bạn sẽ có ba tùy chọn để đạt được tốc độ chụp 1/60 giây mà giữ nguyên độ sáng phơi sáng trong ảnh.

Cách 1 - Giữ nguyên khẩu độ và tăng ISO lên hai mức là 6400 để bù sáng khi bạn tăng tốc độ lên hai mức là 1/60

 

Tam giác phơi sáng khi tăng ISO

Nhưng nếu bạn không muốn ảnh bị nhiễu hạt do ISO 6400 sẽ tạo ra thì bạn có thể xem xét việc thay đổi khẩu độ của máy ảnh thay vì ISO.

Cách 2- Giữ nguyên ISO và tăng khẩu độ lên hai mức là f/1.4 để bù sáng khi bạn tăng tốc độ lên hai mức là 1/60

Tam giác phơi sáng khi tăng khẩu độ

Nhưng bạn lại nghĩ rằng khẩu độ f/1.4 sẽ có độ sâu trường ảnh nông, có nghĩa là sẽ chỉ có một vùng ảnh rõ nét mà thôi và bạn cũng không muốn vậy. Do đó bạn sẽ chọn giải pháp kết hợp thay đổi ISO cùng với khẩu độ.

Cách 3 - Chỉ tăng khẩu độ lên một mức là f/2 và tăng ISO lên một mức là 3200 để bù sáng khi bạn tăng tốc độ lên hai mức là 1/60

Tam giác phơi sáng khi kết hợp tăng khẩu độ và độ nhạy sáng

Sau cùng, bạn đã có thể chụp được với tốc độ 1/60 giây mà bạn muốn mà vẫn giữ được độ phơi sáng thích hợp.

Tóm lại, bạn cần phải thực hành nhiều để nắm vững kỹ thuật phơi sáng. Hãy thử thay đổi các thiết lập để nhận thấy sự khác biệt. Tùy trường hợp mà thay đổi yếu tố nào vì chúng không ảnh hưởng tới độ phơi sáng mà còn liên quan đến các khía cạnh khác như việc thay đổi khẩu độ sẽ ảnh hưởng đến độ sâu của trường ảnh - DOF, thay đổi độ nhạy sáng sẽ ảnh hưởng đến độ nhiễu hạt - Noise của ảnh và thay đổi tốc độ sẽ ảnh hưởng đến việc chụp các đối tượng đang chuyển động.

Bạn cần lưu ý là ngoài cách chụp theo chế độ tự động - Auto Mode và thiết lập tùy chỉnh bằng tay - Manual Mode, máy ảnh số còn có lựa chọn chụp ưu tiên theo tốc độ - Shutter Priority hoặc ưu tiên khẩu độ - Aaperture Priority cho phép bạn thực hiện các quyết định về một hoặc hai yếu tố của tam giác phơi sáng và để cho máy tự động xử lý các yếu tố còn lại.