Sử dụng một máy ảnh số cao cấp không có nghĩa là bạn sẽ có được những tấm ảnh đẹp nếu như không biết cách chụp và sử dụng những chức năng có trên máy ảnh số. Chỉ cần chụp đúng cách và sử dụng đúng lúc một vài chức năng cơ bản cũng có thể giúp bạn có được những tấm ảnh đẹp như ý.

Các thao tác cơ bản để có một ảnh số đẹp
Các thao tác cơ bản để có một ảnh số đẹp

Sau đây là một số thao tác cơ bản để giúp có được một ảnh số đẹp như ý

1

Chú ý tư thế chụp và tay cầm máy ảnh

Chú ý tư thế chụp và tay cầm máy ảnh
Chú ý tư thế chụp và tay cầm máy ảnh

Đầu tiên bạn cần phải chú ý đến tư thế chụp ảnh. Máy ảnh bị rung khi chụp là một trong những nguyên nhân thường làm cho ảnh chụp bị nhòe.

Bạn có thể đứng hoặc ngồi tùy theo hoàn cảnh, tuy nhiên thân mình và tay của bạn phải vững chắc để tránh rung máy ảnh khi chụp. Sử dụng ngón trỏ của tay phải để nhấn nút chụp trong khi các bộ phận khác của cơ thể phải luôn được giữ vững.

2

Chọn chế độ chụp ảnh thích hợp

Chọn chế độ chụp ảnh thích hợp
Chọn chế độ chụp ảnh thích hợp

Nếu bạn không rành về các thông số khi chụp ảnh thì tốt nhất là hãy sử dụng chế độ chụp tự động - Auto hoặc các chế độ chụp có sẵn - Scene của máy ảnh số, chúng đáp ứng tốt trong hầu hết các trường hợp thông thường.

Xem hướng dẫn Sử dụng các chế độ chụp của máy ảnh số

3

Lấy nét đúng chủ thể cần chụp

Chủ thể trong ảnh bị mờ vì khung lấy nét hướng về hậu cảnh phía sau
Chủ thể trong ảnh bị mờ vì khung lấy nét hướng về hậu cảnh phía sau

Bạn phải lấy nét - Focus đúng cách và đúng chủ thể cần chụp. Hãy hướng khung hoặc điểm lấy nét trên màn hình của máy ảnh về phía chủ thể muốn chụp hoặc muốn làm nổi bật. Trên máy ảnh luôn có đèn báo hoặc biểu tượng hiển thị trên màn hình cho biết tình trạng Focus.

Thông thường khi chụp bạn sẽ nhấn nút chụp xuống khoảng 1/2 và giữ khoảng vài giây để máy tự động lấy nét sau đó mới nhấn tiếp để chụp. Nếu máy ảnh không thể lấy nét được thường là do thiếu sáng, bạn hãy sử dụng chức năng hỗ trợ ánh sáng để lấy nét - Focus Assist Illuminator hoặc chuyển sang lấy nét bằng tay - Manual Focus.

Nếu vẫn không lấy nét được thì bạn hãy di chuyển vị trí chụp hoặc chủ thể muốn chụp, không nên tiếp tục chụp khi máy ảnh không lấy nét được vì ảnh có thể sẽ bị mờ.

4

Điều chỉnh ánh sáng hợp lý

Sự khác nhau giữa các chế độ đo sáng của máy ảnh số
Sự khác nhau giữa các chế độ đo sáng của máy ảnh số

Ánh sáng rất quan trọng trong kỹ thuật nhiếp ảnh, nó là một trong những yếu tố cần thiết để tạo nên một tấm ảnh đẹp. Bạn có nhiều cách để điều chỉnh ánh sáng khi chụp bằng máy ảnh số và việc sử dụng cách nào sẽ tùy vào từng trường hợp khác nhau cũng như tùy theo ý thích và sự sáng tạo của mỗi người.

Sử dụng đúng chế độ đo sáng là việc đầu tiên cần phải làm. Máy ảnh số có nhiều chế độ đo sáng là đo sáng toàn bộ cảnh - Evaluative/Matrix metering, đo sáng vùng trung tâm - Center Weighted metering và đo sáng điểm - Spot metering. Khi chọn chế độ đo sáng trung tâm hoặc điểm thì bạn phải hướng khung hoặc điểm đo sáng vào chủ thể muốn chụp. Sau khi đo được độ sáng của hình ảnh muốn chụp thì máy ảnh sẽ tự động thiết lập độ sáng và các thông số chụp khác.    

Bạn có thể thay đổi độ sáng của ảnh muốn chụp bằng cách thiết lập các thông số về độ phơi sáng - Exposure, khẩu độ - Aperture, độ nhạy sáng - ISO, tốc độ chụp - Shutter Speed, đèn Flash,...

  • Nếu ảnh chụp có độ sáng không như ý thì bạn hãy thử đổi sang các kiểu đo sáng khác để máy tự điều chỉnh lại các thông số về độ sáng.
  • Khi chụp ngược sáng, tuy trời sáng nhưng chủ thể muốn chụp ở trong bóng râm hoặc bị che sáng thì bạn cần phải mở đèn Flash - Flash On.
  • Nếu hậu cảnh phía sau sáng hơn đối tượng cần chụp thì nên chỉnh bù sáng bằng cách tăng độ phơi sáng - Exposure lên để cần bằng độ sáng cho ảnh.
  • Khi chụp ảnh ban đêm, ngoài cách sử dụng chế độ chụp ban đêm còn có thể tăng độ nhạy sáng - ISO lên. Lưu ý độ nhạy sáng càng cao thì ảnh chụp sẽ càng bi nhiễu hạt.

5

Điều chỉnh đúng màu sắc

Màu sắc của ảnh chụp khi thay đổi thiết lập cân bằng trắng
Màu sắc của ảnh chụp khi thay đổi thiết lập cân bằng trắng

Khi bạn mặc áo màu trắng và đứng trong căn phòng có đèn màu vàng, dưới tác động của ánh đèn vàng thì áo của bạn trong ảnh chụp sẽ không còn màu trắng nữa. Lúc này, chức năng cân bằng trắng - White Balance của máy ảnh số sẽ hoạt động để giúp điều chỉnh lại màu sắc trong ảnh chụp sao cho đúng với thực tế.

Máy ảnh số được trang bị sẵn chức năng tự động cân bằng trắng - Auto White Balance - AWB. Chức năng này sẽ tự nhận biết và phân loại nguồn sáng để điều chỉnh lại màu sắc của ảnh chụp cho đúng với thực tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu chức năng tự động cân bằng trắng không hoạt động chính xác hoặc đơn giản là bạn khi muốn ảnh chụp có tông màu khác lạ thì bạn có thể thay đổi thiết lập cân bằng trắng.  

6

Bố cục ảnh hợp lý

Bố cục ảnh theo quy tắc 1/3 bằng cách đưa chủ thể vào vị trí của 4 điểm nhấn
Bố cục ảnh theo quy tắc 1/3 bằng cách đưa chủ thể vào vị trí của 4 điểm nhấn

Khi nhắc tới bố cục trong nhiếp ảnh thì rất nhiều người sẽ nghĩ tới Quy tắc 1/3. Quy tắc 1/3 tạo bởi 2 đường ngang và 2 đường dọc để chia khung ảnh chụp ra thành 9 phần bằng nhau. Các đường dọc và ngang sẽ giao nhau tại 4 điểm gọi là các điểm nhấn.

Một tấm ảnh tuân thủ tốt theo Quy tắc 1/3 là khi chủ thể muốn chụp nằm trên các điểm nhấn và phần hậu cảnh nếu có đường chân trời thì đường chân trời này nằm song song hoặc trùng khớp với 1 trong 2 đường ngang.

Hầu hết các máy ảnh số đều cho phép bạn thiết lập hiển thị đường lưới - Grid Display để giúp bố cục ảnh. Theo mặc định thiết lập này sẽ không được bật, nếu muốn bạn hãy truy cập vào trình đơn cài đặt của máy ảnh số để bật nó lên. 

Ảnh số sau khi chụp nên được đưa vào máy vi tính để sử dụng chương trình đồ họa xử lý các khuyết điểm của đối tượng chụp, tẩy xóa những phần không mong muốn trên ảnh, điều chỉnh độ sáng và màu sắc để có được những ảnh đẹp như ý.

  • Lưu ý là bạn không thể chỉnh sửa các ảnh chụp bị quá mờ hoặc mất chi tiết do thiếu ánh sáng. 
  • Trước khi chụp bạn hãy kiểm tra ảnh trong màn hình hiển thị, nếu thấy ảnh không đẹp thì nên đổi sang chế độ chụp khác hoặc thay đổi các thiết lập của máy ảnh.
  • Bạn nên điều chỉnh khung hình lớn hơn ảnh muốn chụp một ít để sau này có thể bố cục lại như xoay, cắt, cúp, thu nhỏ lại nếu cần.

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.