Trong nhiếp ảnh truyền thống - máy chụp phim, khẩu độ - Aperture là thông số cho biết độ mở của ống kính để cho phim được tiếp xúc với cảnh đang được chụp. Khẩu độ trong máy ảnh số cũng tương tự như vậy, nó là một trong ba thông số quan trọng để giúp bạn chụp được ảnh có chất lượng cao. Hai thông số quan trọng còn lại là Shutter Speed và ISO
Khẩu độ - Aperture trong nhiếp ảnh kỹ thuật số
Khi bạn nhấn nút chụp của máy ảnh số, một cái cửa - màng trập sẽ mở ra cho phép cảm biến của máy ảnh thu nhận hình ảnh mà bạn đang muốn chụp. Độ mở nhỏ hay lớn của nó được gọi là khẩu độ - Aperture. Cửa mở càng lớn thì ánh sáng vào càng nhiều, cửa mở càng nhỏ thì ánh sáng vào càng ít. Nói một cách đơn giản, khẩu độ chính là độ lớn của việc mở ống kính khi chụp ảnh.
Khẩu độ được đo bằng F-Stop, trong kỹ thuật nhiếp ảnh bạn thường thấy các thông số kỹ thuật f/số chẳng hạn như f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/22,... Mỗi một giá trị được gọi là F-Stop. Mỗi một F-Stop sẽ tăng gấp đôi hoặc giảm phân nửa độ mở của ống kính, tương đương với lượng ánh sáng mà cảm biến ảnh nhận được. Bạn hãy nhớ lại rằng mỗi khi tăng hoặc giảm một mức tốc độ chụp - Shutter Speed cũng làm thay đổi lượng ánh sáng tương ứng.
Một điều mà nhiều người thường hay nhầm lẫn đó là khẩu độ lớn - độ mở lớn sẽ thu được nhiều ánh sáng lại là F-Stop có số nhỏ và ngược lại khẩu độ nhỏ hơn - độ mở nhỏ sẽ thu được ít ánh sáng là F-Stop có số lớn hơn. Vì vậy trong thực tế f/2.8 là khẩu độ lớn hơn khá nhiều so với f/22. Mới nghe có vẻ ngược nhưng rồi bạn sẽ hiểu về điều này.
Thiết lập khẩu độ của máy ảnh số bằng cách nào
Không phải lúc nào máy ảnh số cũng cho phép bạn thay đổi thiết lập khẩu độ, nhất là khi chụp với các chế độ tự động - Auto Mode hoặc định sẵn - Scene Mode.
Khi muốn thiết lập khẩu độ, bạn hãy chuyển sang chế độ cho phép bạn tự chọn khẩu độ bằng cách thoát khỏi chế độ tự động - Auto và chuyển sang một trong các chế độ chụp thủ công - Manual, ưu tiên khẩu độ - Aperture Priority, ưu tiên tốc độ - Shutter Priority hoặc chương trình - Program.
Các chế độ chụp ưu tiên khẩu độ hoặc thủ công thường được sử dụng khi muốn thay đối khẩu độ.
Đối với các máy ảnh thông thường, có lẽ bạn cần phải truy cập vào trình đơn cài đặt - Menu và tìm đến phần cài đặt dành cho khẩu độ. Sau đó chọn giá trị khẩu độ mà bạn muốn hoặc chọn tự động.
Đối với các máy ảnh cao cấp hơn, có thể sẽ có một nút Aperture dành riêng trên máy ảnh. Bạn chỉ cần nhấn nó và xoay một trong các nút xoay để thay đổi cài đặt khẩu độ của máy ảnh.
Một số máy ảnh khác có thể trang bị ống kính có thể thay đổi khẩu độ, bạn chỉ cần xoay ống kính để chọn khẩu độ muốn chụp.
Nếu bạn không thấy một nút có nhãn là Aperture, thì vẫn có khả năng máy ảnh của bạn sẽ cho phép bạn lập trình để biến một nút đa chức năng thành nút Aperture. Hãy xem tài liệu hướng dẫn kèm theo máy ảnh số của bạn để biết cách sử dụng.
Các vấn đề cần chú ý khi lựa chọn khẩu độ chụp
Khi xem xét để chọn khẩu độ chụp một tấm ảnh, bạn nên luôn chú ý đến độ phơi sáng của ảnh chụp. Bạn không nên nghĩ rằng khẩu độ chụp có thể được sử dụng riêng mà không cần quan tâm đến hai yếu tố khác trong tam giác phơi sáng đó là tốc độ chụp - Shutter Speed và độ nhạy sáng - ISO. Khi thay đổi khẩu độ chụp, bạn cũng cần phải thay đổi một hoặc cả hai yếu tố này để bù đắp cho ánh sáng của hình ảnh được cân bằng.
Ví dụ nếu bạn giảm khẩu độ chụp xuống một mức từ từ f2.8 xuống f4.0 là bạn đang giảm một nửa ánh sáng, để bù đắp cho việc này có thể bạn cần phải giảm tốc độ chụp xuống một mức, ví dụ từ 1/60 xuống 1/30. Các thay đổi khác có thể được chọn là tăng độ nhạy sáng - ISO lên cao hơn, ví dụ từ ISO 100 lên ISO 400.
Độ sâu trường ảnh và khẩu độ trong nhiếp ảnh kỹ thuật số
Có nhiều điều bạn cần phải lưu ý khi thay đổi khẩu độ, tuy nhiên một trong những cái cần quan tâm nhất là độ sâu trường ảnh.
Độ sâu trường ảnh - Depth of Field, viết tắt là DOF, nó là khoảng cách của vùng lấy nét khi chụp ảnh. Độ sâu trường ảnh lớn có nghĩa là hầu hết toàn bộ những gì trong khung ảnh sẽ được rõ nét cho dù ở gần hay xa vị trí chụp. Độ sâu trường ảnh nhỏ hay nông, cạn có nghĩa là sẽ chỉ có một phần của ảnh được rõ nét, phần còn lại sẽ bị mờ.
Khẩu độ có tác động lớn đến độ sâu trường ảnh. Khẩu độ lớn, hãy nhớ là có số nhỏ hơn sẽ làm giảm độ sâu của trường ảnh trong khi khẩu độ nhỏ - có số lớn hơn sẽ cho độ sâu trường ảnh lớn hơn.
Có một chút bối rối về điều này nhưng bạn hãy nhớ là nếu khẩu độ có số nhỏ có nghĩa là độ sâu trường ảnh nhỏ và nếu số lớn thì độ sâu của trường ảnh lớn.
Hãy xem hai ảnh minh họa dưới đây. Ảnh bên trái được chụp với khẩu độ f/22 và ảnh bên phải được chụp với khẩu độ f/2.8 . Sự khác biệt là khá rõ ràng, ảnh bên trái có cả hoa và nụ được lấy nét kể cả lá và hàng rào phía sau trong phông nền. Ảnh bên phải chỉ có hoa là rõ nét, nhưng do có độ sâu trường ảnh nhỏ nên các phần còn lại đều không rõ nét do cách xa máy ảnh khi chụp.
Cách tốt nhất để hiểu về khẩu độ là bạn hãy chụp những ảnh bên ngoài, thử nghiệm với các vị trí có nhiều chủ thể cách nhau một khoảng từ gần đến xa và chụp các ảnh có khẩu độ thay đổi từ nhỏ nhất đến lớn nhất. Bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy những thay đổi khi điều chỉnh khẩu độ.
Một vài kiểu chụp đòi hỏi độ sâu trường ảnh lớn - khẩu độ nhỏ. Ví dụ trong hầu hết các ảnh chụp phong cảnh, bạn sẽ thấy các nhiếp ảnh gia thường chụp với khẩu độ nhỏ - số lớn. Điều này nhằm đảm bảo rằng đường chân trời trong phần nền được rõ nét.
Mặt khác khi chụp chân dung, bạn sẽ thấy rất hữu dụng khi chỉ muốn làm rõ nét chủ thể còn phần nền phía sau sẽ được làm mờ đi để đảm bảo chủ đề chính của bạn được nổi bật hơn so với các phần khác. Trong trường hợp này bạn cần chọn một khẩu độ lớn - số nhỏ để đảm bảo độ sâu trường ảnh nhỏ.
Các kiểu chụp cận ảnh - Macro thường được nhiều người sử dụng khẩu độ lớn để đảm bảo chủ đề chính được lấy nét để tập trung hoàn toàn sự chú ý của người xem vào nó trong khi phần còn lại đều bị loại bỏ khỏi vùng rõ nét.