Khi sử dụng máy lạnh một thời gian thì các bộ phận bên trong máy sẽ bị bám bụi rất nhiều do đó bạn cần phải làm vệ sinh máy lạnh định kỳ. Bạn có thể làm vệ sinh máy lạnh tại nhà mà không cần tới thợ chuyên nghiệp.
Nguyên lý hoạt động của máy lạnh là đối lưu không khí nên khi sử dụng một thời gian thì bụi bẩn trong không khí sẽ bám vào các bộ phận bên trong máy. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho máy lạnh hoạt động kém hiệu quả và có thể là tác nhân gây ra các bệnh về hô hấp.
Máy lạnh cần phải được vệ sinh định kỳ
Để đảm bảo hiệu suất tối ưu, máy lạnh cần phải được vệ sinh theo định kỳ khoảng từ 6 tháng đến 1 năm tùy thuộc vào điều kiện sử dụng và môi trường xung quanh. Công việc vệ sinh máy lạnh thường là dùng nước xịt rửa các tấm lưới lọc bụi, các lá tản nhiệt và quạt bên trong dàn lạnh và dàn nóng.
Việc vệ sinh máy lạnh thường đòi hỏi thợ phải có chuyên môn và các công cụ hỗ trợ để tránh làm hư hỏng máy khi thực hiện. Tuy nhiên giữa 2 lần làm vệ sinh theo định kỳ, bạn cũng có thể tự mình làm vệ sinh một số bộ phận của máy lạnh.
Cách tự làm vệ sinh máy lạnh tại nhà
Trước khi làm vệ sinh bạn phải tắt nguồn điện bằng cách tắt cầu dao hoặc rút phích cắm điện của máy lạnh.
Trong dàn lạnh thường ít nhất sẽ có 2 tấm lưới lọc bụi. Các máy lạnh cao cấp hơn sẽ có thêm 2 tấm lưới lọc tinh và bộ phận lọc Nano. Tùy theo loại máy lạnh mà các tấm lưới lọc bụi sẽ được đặt ở các vị trí khác nhau. Do đó bạn cần phải tìm hiểu để biết rõ vị trí của chúng.
Bạn có thể xem trong sách hướng dẫn của máy lạnh hoặc hỏi người thợ khi lắp ráp để để biết vị trí của các tấm lưới lọc bụi.
1
Tháo lưới lọc bụi được lắp bên trong dàn lạnh
Đối với máy lạnh có lưới lọc bụi được lắp bên trong dàn lạnh thì bạn hãy mở nắp che phía trước của dàn lạnh bằng cách dùng hai tay kéo hai góc phía dưới hướng lên trên.
Nắp che của dàn lạnh được thiết kế rời, ở phía trên có chốt giữ như bản lề nhưng có thể dễ dàng tháo ra, ở phía dưới chỉ được giữ lại bằng một gờ nhỏ. Nắp đậy này có thể tháo rời ra rất dễ dàng tuy nhiên bạn có thể chỉ cần giở nó lên sẽ có một gờ khác giúp giữ cho nắp đậy không thể tự hạ xuống.
Sau khi mở nắp đậy ra bạn sẽ nhìn thấy 2 tấm lưới lọc không khí nằm 2 bên. Bạn hãy để ý ở phía dưới tấm lưới lọc có 2 lưỡi gài, hãy dùng tay nhấc nhẹ lên sau đó rút tấm lưới lọc ra khỏi dàn lạnh.
Bạn tiếp tục kiểm tra xem ngoài 2 tấm lưới này ra còn có cái nào khác nữa không. Nếu có thì bạn hãy tháo chúng ra luôn.
2
Làm vệ sinh lưới lọc bụi bên trong dàn lạnh
Bạn hãy rửa các tấm lưới lọc dưới vòi nước một cách nhẹ nhàng và cẩn thận cho đến khi sạch hết bụi sau đó dùng khăn sạch lau khô.
3
Làm vệ sinh bộ lọc Nano trong máy lạnh
Nếu máy lạnh có trang bị bộ lọc Nano thì bạn có thể làm vệ sinh nó bằng que tăm bông gòn.
4
Lắp các tấm lưới lọc bên trong vào máy lạnh
Sau khi làm vệ sinh sạch sẽ các tấm lưới lọc bụi bạn hãy lắp chúng vào vị trí cũ và đậy nắp che lại.
5
Tháo lưới lọc bụi được lắp bên trên dàn lạnh
Đối với lưới lọc được lắp bên trên dàn lạnh, bạn hãy dùng tay nắm vào lưới lọc và kéo về phía trước để tháo nó ra. Trong một số máy lạnh lưới lọc có thể được giữ lại bằng các chốt hoặc rảnh cài, bạn hãy chú ý khi tháo để tránh làm hỏng lưới lọc bụi.
Lưới lọc bụi trong máy lạnh có thể được thiết kế dưới dạng 1 tấm lớn gần bằng chiều ngang của máy lạnh hoặc chia làm hai tấm nhỏ lắp hai bên.
6
Làm vệ sinh lưới lọc bụi bên trên dàn lạnh
Bạn hãy rửa tấm lưới lọc bụi dưới vòi nước một cách nhẹ nhàng và cẩn thận cho đến khi sạch hết bụi sau đó dùng khăn sạch lau khô.
Sau khi làm vệ sinh sạch sẻ bạn hãy lắp tấm lưới lọc bụi vào vị trí cũ.
7
Lau sạch các nắp che bên ngoài
Bạn tiếp tục dùng khăn ẩm lau sạch nắp che và các phần bên ngoài của dàn lạnh.
Như vậy là bạn đã tự làm vệ sinh máy lạnh tại nhà một cách dễ dàng. Bây giờ bạn hãy cấp điện và cho máy lạnh hoạt động để kiểm tra. Nếu bạn làm cẩn thận từng bước như hướng dẫn thì sẽ không có gì trục trặc xảy ra.
Các lưu ý khi tự làm vệ sinh máy lạnh tại nhà
- Khi tháo tấm lọc bụi phải cẩn thận không để bụi bẩn rơi ra khỏi bộ lọc hoặc bay vào mắt, miệng.
- Không chạm vào các lá nhôm tản nhiệt hoặc các bộ phận sắc bén có thể gây thương tích.
- Không sử dụng benzen hoặc hóa chất pha loãng.
- Chỉ có thể sử dụng xà phòng có độ PH = 7 hoặc chất tẩy rửa gia dụng.
- Không sử dụng nước nóng hơn 40°C
- Không được sử dụng máy sấy mà hãy dùng khăn khô để lau các tấm lọc bụi.
- Các tấm lưới lọc bụi nên được vệ sinh 2 tuần 1 lần.
- Bộ lọc Nano nên được vệ sinh 6 tháng 1 lần.
- Nếu tấm lưới lọc bụi bị thủng, hư,... thì bạn phải thay cái khác ngay, nếu không bụi sẽ bám vào các bộ phận bên trong máy.
- Quạt của máy lạnh khi sử dụng khoảng 1 năm có thể sẽ bám nhiều bụi, bạn có thể dùng cọ để quét sạch bụi bám trên các cánh quạt.