Màn hình vi tính (Monitor) là bộ phận hiển thị kết quả xử lý của máy vi tính dưới dạng văn bản, hình ảnh,... Màn hình vi tính là một thiết bị nằm rời bên ngoài (thiết bị ngoại vi) và kết nối với bộ phận xử lý của máy vi tính (thùng máy) bằng dây cáp dữ liệu thông qua cổng giao tiếp của thiết bị đồ họa. Đối với người sử dụng thông thường thì màn hình không quan trọng nhưng trong một số trường hợp sử dụng chuyên nghiệp thì cần phải có màn hình chất lượng cao.

Các thông số cần chú ý của màn hình vi tính

Các loại màn hình vi tính thông dụng

Màn hình vi tính CRT và LCD
Màn hình vi tính CRT và LCD

Màn hình CRT (CRT Monitor)

  • Màn hình CRT (Cathode Ray Tube) là loại màn hình truyền thống sử dụng bóng đèn hình với kiểu dáng to, nặng và tiêu thụ nhiều điện năng.
  • Loại màn hình này được sử dụng cho các máy vi tính đời cũ trước đây, hiện nay không còn được bày bán trên thị trường.

Màn hình LCD (LCD Monitor) 

  • Màn hình LCD (Liquid Crystal Display) là loại màn hình phẳng (Flat Panel) sử dụng công nghệ tinh thể lỏng với kiểu dáng mỏng, nhẹ và tiêu thụ ít điện năng.
  • Màn hình LCD ban đầu chủ yếu được sử dụng cho các máy vi tính xách tay.

Màn hình TFT LCD (TFT LCD Monitor) 

  • Màn hình TFT LCD (Thin-Film-Transistor LCD) là một cải tiến của màn hình LCD, sử dụng công nghệ bóng bán dẫn mỏng (Thin-Film-Transistor) để cải thiện chất lượng hình ảnh và độ tương phản.

Màn hình IPS LCD (IPS LCD Monitor) 

  • Màn hình IPS (In-plane switching) là một công nghệ cho màn hình LCD, những lớp tinh thể lỏng được sắp xếp theo hàng ngang (In Plane) song song thay vì vuông góc với hai tấm kính phân cực ở trên và dưới. Sự thay đổi này giúp màu sắc cũng như góc nhìn của màn hình được cải thiện tốt hơn

Màn hình LED (LED LCD Monitor) 

  • Màn hình LED LCD (Light Emitting Diode LCD) cũng là một cải tiến của màn hình LCD, sử dụng công nghệ đèn LED để làm sáng nền màn hình. Ưu điểm của đèn nền LED là tiết kiệm năng lượng thậm chí tốt hơn, tốt nhất trên thị trường, trên thực tế. Màn hình LED cũng cung cấp màu sắc chất lượng tốt hơn, rõ ràng, tốc độ làm mới (Refresh) nhanh hơn, phạm vi đen trắng rõ ràng hơn và cung cấp độ tương phản tốt hơn với màu sắc trung thực,... do đó nó hiển thị hình ảnh sống động và thật hơn.
  • Màn hình LED mỏng hơn so với màn hình LCD vì đèn LED nằm xung quanh cạnh của màn hình, đây là công nghệ được sử dụng cho đa số màn hình máy tính hiện nay.

Màn hình OLED (OLED Monitor)

  • Màn hình OLED (Organic Light Emitting Diode) là một công nghệ hiển thị mới sáng hơn, hiệu quả hơn, mỏng hơn và có tỷ lệ làm mới (Refresh) tốt hơn và độ tương phản cao hơn so với màn hình LCD.
  • Màn hình OLED cung cấp hình ảnh chất lượng tốt nhất từ trước tới nay và được sử dụng trong điện thoại thông minh và máy tính bảng và màn hình vi tính cao cấp. 

Kích thước của màn hình vi tính (Screen size, Display size)

  • Kích thước màn hình hoặc kích thước hiển thị (View Size, Viewable) là kích thước của khu vực nơi hình ảnh được hiển thị. Kích thước của màn hình thường được tính theo đường chéo của màn hình, tức là khoảng cách giữa hai góc màn hình đối diện, tính bằng đợn vị Inche (1 Inche = 2,54cm). Thông số này xác định kích thước của màn hình và không gây nhầm lẫn khi tỉ lệ màn hình thay đổi.
  • Kích thước của màn hình thường do nhà sản xuất màn hình cung cấp. Màn hình có nhiều kích thước khác nhau, các kích thước chuẩn của màn hình là 13", 14", 15", 17", 19", 21", 23",...
  • Màn hình LCD có kích thước hiển thị lớn hơn màn hình CRT có cùng kích thước.

Thông thường, kích thước của màn hình được tính là kích thước hiển thị tuy nhiên một số màn hình sẽ tính luôn kích thước của khung bao (Panel size), bạn cần lưu ý thông số này.

Tỉ lệ của màn hình vi tính (Aspect ratio)

Tỉ lệ của màn hình máy vi tính
Tỉ lệ của màn hình máy vi tính

  • Tỉ lệ của màn hình là tỉ lệ giữa chiều cao với chiều ngang của nó, ký hiệu là hai số cách nhau bởi dấu hai chấm (x:y). Các tỉ lệ của màn hình thông thường là 4:3, 16:9 và 16:10.
  • Màn hình tỉ lệ 4:3 được gọi là màn hình vuông. Loại màn hình này được sử dụng cho các máy vi tính đời cũ.
  • Loại màn hình rộng (Wide) có tỉ lệ là 16:9 và 16:10. Đa số các màn hình vi tính hiện nay có tỉ lệ là 16:9.
  • Một số màn hình vi tính có kích thước chiều rộng lớn hơn gọi là Ultra-wide có tỉ lệ là 21:9.

Độ phân giải của màn hình vi tính (Display resolution)

  • Độ phân giải hiển thị hoặc chế độ hiển thị của một màn hình vi tính là số lượng điểm ảnh (Pixel, Dot) riêng biệt trong mỗi kích thước có thể được hiển thị. Nó có thể là một thuật ngữ không rõ ràng, đặc biệt khi độ phân giải hiển thị được kiểm soát bởi các yếu tố khác nhau trong màn hình CRT hoặc màn hình tinh thể lỏng (LCD).
  • Độ phân giải thường được ghi với thông số là chiều rộng nhân chiều cao với đơn vị là pixel (px). Ví dụ: màn hình có độ phân giải 1024 × 768px có nghĩa màn hình này chiều rộng là 1024 pixel và chiều cao là 768 pixel và được đọc là "một không hai bốn, bảy sáu tám".

Thông số độ phân giải của màn hình do nhà sản xuất đưa ra là thông số tối ưu cho màn hình của họ. Trên thưc tế người sử dụng có thể thay đổi độ phân giải này thông qua hệ điều hành và các chương trình ứng dụng, tuy nhiên hình ảnh có thể sẽ không rõ nét và không đúng tỉ lệ.

Tỉ lệ màn hình và độ phân giải
Tỉ lệ màn hình và độ phân giải

Tỉ lệ màn hình và độ phân giải

Góc nhìn của màn hình vi tính (Viewing Angle)

  • Góc nhìn của màn hình là góc tối đa khi người sử dụng nhìn thấy được hình ảnh trên màn hình mà chất lượng của hình ảnh này không bị suy giảm quá mức. Góc nhìn được đo bằng độ theo chiều ngang và chiều dọc của màn hình.
  • Màn hình CRT có thể nhìn thấy được ở mọi góc độ trong khi màn hình LCD sẽ bị giới hạn về góc nhìn.

Độ tương phản của màn hình vi tính (Contrast Ratio)

  • Độ tương phản của màn hình là tỷ lệ độ sáng của màu sáng nhất (màu trắng) đến màu tối nhất (màu đen) mà màn hình có thể hiển thi.
  • Tỷ lệ tương phản dao động từ 200:1 đến 1000:1 hoặc cao hơn đối với các màn hình LED. Tỉ lệ này càng cao càng tốt vì dải màu sắc của màn hình sẽ rộng hơn, trung thực hơn.

Độ tương phản của màn hình có thể thay đổi được thông qua các nút chỉnh Contrast trên màn hình hoặc thông qua hệ điều hành và các chương trình ứng dụng.

Độ sáng của màn hình vi tính (Brightness, Luminance)

  • Thông số này sẽ cho biết độ sáng màn hình LCD sẽ hiển thị được, thông thường nằm trong khoản từ 200cd/m2 đến 350cd/m2 hoặc có thể cao hơn.
  • cd/m2 là thước đo về mức hiển thị độ sáng của màn hình trong điều kiện ánh sáng rực rỡ. cd/m2 là viết tắt của Candelas trên một mét vuông.
  • Độ sáng càng cao sẽ càng tốt, tuy nhiên hầu hết các màn hình LCD đều có độ sáng đáp ứng đủ cho bất kỳ nhu cầu sử dụng nào của bạn.

Độ sáng của màn hình có thể thay đổi được thông qua các nút chỉnh Brightness trên màn hình hoặc thông qua hệ điều hành và các chương trình ứng dụng.

Khoảng cách điểm ảnh của màn hình vi tính (Dot pitch)

  • Dot pitch là khoảng cách giữa các điểm ảnh cùng màu trên màn hình, đơn vị đo bằng milimet. 
  • Khoảng cách giữa các điểm ảnh càng nhỏ thì hình ảnh càng sắc nét, thông số này càng thấp càng tốt. Các màn hình thông thường có Dot pitch trong khoảng từ 0,28mm đến 0,24mm và có thể thấp hơn.

Thời gian đáp ứng của màn hình vi tính (Response time)

  • Thời gian đáp ứng (hay thời gian phản hồi) là thời gian một pixel trong màn hình chuyển từ trạng thái hoạt động (trắng) đến không hoạt động (đen) và trở lại hoạt động (màu trắng) một lần nữa, đơn vị đo bằng mili giây (ms). Con số càng thấp có nghĩa là quá trình chuyển đổi nhanh hơn và do đó ít có hiện tượng "bóng ma" hơn.
  • Thông số thời gian đáp ứng của màn hình thông thường từ 8ms đến 4ms, các màn hình chất lượng cao có  thời gian đáp ứng khoảng 2ms đến 1ms.

Tốc độ làm mới của màn hình vi tính (Refresh rate)

  • Tốc độ làm mới là số lần hình ảnh hiển thị trên màn hình được làm mới (thay đổi) trong một giây, đơn vị tính là Hertz (Hz). Tốc độ làm mới tối đa được giới hạn bởi thời gian phản hồi.
  • Tốc độ làm mới càng cao thì hình ảnh hiển thị càng mượt và ngược lại nếu tốc độ làm mới quá thấp thì hình ảnh trông có vẻ như đang nhấp nháy. Tốc độ làm mới của màn hình thông thường là 60hz. Các màn hình chất lượng cao có tốc độ làm mới lên đến 240hz.

 Số lượng màu được hiển thị của màn hình vi tính (Colors Displayed)

  • Thông số này có nghĩa là màn hình có thể hiển thị được bao nhiêu màu. Tuy nhiên bạn không cần phải lo lắng vì hiện nay các màn hình đều hiển thị được 16.7 triệu màu, đủ đáp ứng các nhu cầu của người sử dụng. 

Cổng kết nối tín hiệu của màn hình vi tính

Các cổng kết nối của màn hình vi tính
Các cổng kết nối của màn hình vi tính

Cổng kết nối tín hiệu chuẩn VGA (D-sub)

  • Cổng kết nối chuẩn VGA (Video Graphics Array) ra đời năm 1987, dùng để truyền tín hiệu hình ảnh dạng tương tự (Analog) thường thấy trên các màn hình CRT và các LCD đời đầu.

Cổng kết nối tín hiệu chuẩn DVI

  • Cổng kết nối chuẩn DVI (Digital Visual Interface) ra đời năm 1999, dùng để truyền tín hiệu hình ảnh dạng số (Digital) thường thấy trên các màn hình LCD thế hệ tiếp theo.
  • Trong đó DVI-I (Integrade, kết hợp tín hiệu số và tương tự trong cùng một kết nối); DVI-D (Digital only, chỉ truyền tín hiệu số); DVI-A (Analog only, chỉ truyền tín hiệu tương tự).
  • Chuẩn DVI hỗ trợ độ phân giải Full HD.

Cổng kết nối tín hiệu chuẩn HDMI

  • Cổng kết nối chuẩn HDMI (High-Definition Multimedia Interface) ra đời năm 2003, dùng để truyền tín hiệu hình ảnh và âm thanh 8 kênh dạng số (Digital) thường được trang bị trên các màn hình LCD đời mới hơn.
  • Chuẩn HDMI 1.x hỗ trợ độ phân giải Full HD và chuẩn HDMI 2.0 hỗ trợ độ phân giải 4K.

Cổng kết nối tín hiệu chuẩn Displayport

  • Cổng kết nối chuẩn Displayport ra đời năm 2007, dùng để truyền tín hiệu hình ảnh và âm thanh 8 kênh dạng số (Digital) được trang bị trên các màn hình LCD hiện nay.
  • Chuẩn Displayport 1.2a tương tự như HDMI nhưng các phiên bản mới hơn có thể hỗ trợ độ phân giải 5K

Tính năng khác của màn hình vi tính

Màn hình nhám (Matte) hay màn hình gương (Glossy)

  • Cả hai đều là màn hình LCD, sự khác biệt thực sự duy nhất giữa hai loại màn hình này là lớp phủ được áp dụng trên bề mặt của màn hình.
  •  Màn hình nhám được phủ lớp chống lóa, chói (Anti-Glare). Loại màn hình này hiển thị hình ảnh rõ trong môi trường nhiều ánh sáng đồng thời cũng cho cảm giác màu hơi bị chìm vào trong bề mặt màn hình do vậy khi làm việc lâu với màn hình này ít bị mỏi và chói mắt.
  • Màn hình gương hiển thị hình ảnh có màu sắc rực rỡ, bóng bẩy hơn và độ tương phản cũng tốt hơn màn hình nhám. Màu sắc trên màn hình gương đậm nét hơn và màu đen trông cũng sâu hơn. Tuy nhiên nếu bị chiếu sáng trực tiếp (khi sử dụng ngoài trời hoặc khi có đèn chiếu vào màn hình), màn hình gương sẽ phản chiếu ánh sáng này và gây chói mắt cho người dùng.

Các cổng kết nối mở rộng khác

  • Một số màn hình được tích hợp bộ thu hình cho phép xem truyền hình, Video,... giống như Tivi.
  • Ngoài ra còn có thể tích hợp thêm Camera, loa, các lỗ cắm âm thanh (micro, Headphone), cổng USB,...

Xoay màn hình (Directional, Rotating)

  • Cho phép xoay màn hình để thay đổi chiều cao và chiều ngang cho phù hợp với việc hiển thị hình ảnh của chương trình ứng dụng.

Hiển thị hình ảnh hiệu ứng 3D

  • Hỗ trợ hiển thị hình ảnh dưới dạng không gian 3 chiều, người xem sẽ có cảm giác hình ảnh có chiều sâu.

Màn hình cảm ứng

  • Tính năng cho phép người sử dụng ra lệnh điều khiển máy tính bằng cách chạm tay lên màn hình.

Phụ kiện kèm theo của màn hình vi tính

  • Các phụ kiện kèm theo màn hình thường bao gồm dây nguồn hoặc bộ biến điện (Adaptor), dây tín hiệu tương thích với cổng kết nối, chân đế, dĩa CD/DVD-ROM chứa chương trình điều khiển (Driver) của màn hình.

Chế độ bảo hành của màn hình vi tính

  • Màn hình thường được bảo hành từ 24 đến 36 tháng tùy theo chủng loại và nhà sản xuất.

Cách lựa chọn màn hình cho máy vi tính

  • Dựa vào các thông số bên trên bạn có thể lựa chọn màn hình vi tính phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
  • Nếu cùng một giá tiền tương đương nhau thì bạn hãy so sánh để chọn màn hình nào có các tính năng vượt trội hơn.
  • Lựa chọn màn hình có kích thước lớn hay nhỏ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn, nhưng hãy lưu ý đến chất lượng hình ảnh hơn là kích thước.
  • Chọn màn hình vuông hay rộng thì tùy thuộc vào việc bạn cần chiều cao hay chiều ngang và lưu ý một số màn hình cho phép xoay 90o. Ngoài ra, các tín đồ của trò chơi trực tuyến sẽ rất bất ngờ với màn hình Ultra-Wide có tỉ lệ 21:9, bạn sẽ nhìn thấy được "nhiều hơn" so với màn hình thông thường. 
  • Độ phân giải của màn hình càng cao thì hình ảnh hiển thị trên màn hình càng nhỏ cũng có nghĩa là màn hình sẽ hiển thị được nhiều hơn. Đây có thể là một lợi ích cho việc mở nhiều cửa sổ hoặc chạy nhiều ứng dụng cùng một lúc nhưng cũng có thể là gây khó khăn cho những người có thị lực kém.
  • Nếu muốn xem phim màn ảnh rộng chất lượng cao (High Definition) thì nên chọn màn hình có ký hiệu là HD (High Definition). Tuy nhiên chỉ có loại Full HD (HD-1080) với tỉ lệ 16:9 và độ phân giải 1920x1080px mới đáp ứng được Full HD.
  • Màn hình LCD nhám hay gương, hãy lựa chọn phù hợp với môi trường làm việc của bạn. Tuy nhiên bạn cần lưu ý là có thể dán tấm kiếng lên màn hình thường để được giống như màn hình gương.
  • Nếu bạn muốn sử dụng màn hình cho các máy tính tiền vì hãy xem xét đến các màn hình cảm ứng.
  • Hãy kiểm tra thiết bị đồ họa của bạn để chắc là các cổng kết nối tín hiệu của chúng và màn hình tương thích với nhau. Trong trường hợp bất khả kháng thì bạn hãy nhớ là luôn có bán các đầu đổi cho các cổng tín hiệu này.

Màn hình có hiển thị hết khả năng của nó hay không còn tùy thuộc vào sức mạnh của thiết bị đồ họa.

Hãy kiểm tra số lượng điểm ảnh chết trên màn hình LCD, đây chính là những điểm không hiện ảnh trên màn hình. Mỗi màn hình đều có một tỉ lệ điểm ảnh chết nhất định, số điểm ảnh chết này càng thấp càng tốt. Kiểm tra các điểm ảnh chết này bằng cách thay đổi màu sắc, đen, trắng... trên mà hình và quan sát cẩn thận thì sẽ phát hiện được. Trong thời hạn bảo hành, bạn có thể được đổi màn hình khác nếu màn hình của bạn xuất hiện các điểm ảnh chết.

BuaXua.vn

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.