Ổ dĩa cứng thể rắn (Solid-State Drive) viết tắt là SSD có chức năng tương tự như ổ dĩa cứng thông thường (HDD) nhưng có cấu tạo bên trong hoàn toàn khác. Tuy được gọi là ổ dĩa nhưng SSD không sử dụng các dĩa từ như HDD mà lưu dữ liệu trong các Chip nhớ (NAND Flash), là một loại công nghệ lưu trữ dữ liệu không bị mất khi ngắt điện. Do không sử dụng các chi tiết cơ khí nên SSD không phát ra tiếng ồn khi hoạt động, tiêu hao ít điện năng, tỏa nhiệt thấp và tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh hơn HDD rất nhiều.

Các thông số của ổ dĩa SSD

Hình dáng và kích thước của ổ dĩa SSD (Form Factor)

Hình dáng của ổ dĩa SSD

  • Ổ dĩa SSD có nhiều loại với các hình dáng và kích thước khác nhau, nhưng thông dụng là loại hộp (Box) 2.5" (inch) và loại thẻ (Card) không có vỏ bọc. 

Công nghệ chip nhớ của ổ dĩa SSD (Technology)

  • SSD ban đầu được sử dụng chip nhớ công nghệ SLC (Single-Level Cell) có tốc độ và tuổi thọ cao nhưng giá thành cũng rất đắt.
  • Tiếp theo là chip nhớ công nghệ MLC (Multi-Level Cell) có tốc độ chậm hơn chip SLC, tuổi thọ cũng thấp hơn nhưng có giá thành rẻ hơn SLC.
  • Các SSD thông dụng hiện nay đa số sử dụng chip nhớ công nghệ TLC (Triple-Level Cell), loại chip này có dung lượng lưu trữ lớn và giá thành rẻ tuy nhiên tốc độ và tuổi thọ của TLC thấp hơn so với SLC và MLC.
  • Tuổi thọ của SSD tùy thuộc vào số chu kỳ ghi/xóa dữ liệu lên chip nhớ. Tuổi thọ của SSD loại SLC khoảng 100.000~300.000, MLC là 10.000 và TLC là 3.000~5.000.

Dung lượng của ổ dĩa SSD (Capacity)

  • Dung lượng là khả năng lưu trữ dữ liệu của ổ dĩa SSD, đơn vị tính là Gigabyte (GB). Hiện nay SSD có dung lượng thông thường là 30/32GB, 60/64GB, 120/128GB, 250/256GB, 500/512GB, 1TB và sẽ lớn hơn trong tương lai.

TB là viết tắt của Terabyte, 1TB = 1024GB, thường được tính chẵn là 1000GB.

Chuẩn kết nối của ổ dĩa SSD (Connections, Interface)

Ổ dĩa SSD chuẩn kết nối SATA

  • Ổ dĩa SSD dạng hộp được kết nối với bản mạch chính (Mainboard) bằng dây cáp chuẩn SATA (Serial ATA). Còn các ổ dĩa SSD dạng thẻ sẽ được cắm trực tiếp lên khe cắm tương ứng chuẩn mSATA (mini STATA), M.2  hoặc PCIe nằm trên Mainboard.
  • Kết nối SATA cho phép truyền dữ liệu với tốc độ tối đa lên đến 6Gb/s (Gigabit trên giây) đối với chuẩn SATA3, kết nối  mSATA có tốc độ tương đương SATA3. Kết nối chuẩn M.2 và PCIe cho phép truyền dữ liệu với tốc độ tối đa lên đến 32Gb/s đối với chuẩn PCIe 3.0 x4.

Tốc độ kết nối (Transfer Rate) là tốc độ truyền dữ liệu tối đa cho phép, trên thực tế tốc độ truyền dữ liệu (Data Rate) sẽ thấp hơn rất nhiều.

Tốc độ của ổ dĩa SSD (Speed)

  • Tốc độ của ổ dĩa SSD là tốc độ tối đa khi đọc (Read Speed) dữ liệu từ chip nhớ và ghi (Write Speed) dữ liệu vào chip nhớ của SSD. Đơn vị tính là MB/s (Megabyte trên giây). Thông số này càng lớn có nghĩa là SSD có tốc độ càng cao.
  • Ngoài ra còn một thông số tốc độ khác đó là Random Read/Write Speed (Tốc độ đọc/ghi ngẫu nhiên).  Đây là tốc độ khi đọc/ghi một khối dữ liệu có dung lượng 4KB (Kilobyte) lên SSD. Đơn vi tính là IOPS (Input/Output Operations Per Second), Thông số này càng lớn có nghĩa là SSD có tốc độ càng cao.

Tốc độ của SSD còn tùy thuộc vào chuẩn kết nối giữa nó và Mainboard. Ngoài ra các SSD dung lượng càng lớn sẽ có tốc độ càng cao.  

Bộ nhớ đệm của ổ dĩa SSD (Cache)

  • Tuy ổ dĩa SSD có tốc độ cao hơn HDD nhưng cũng không thể bằng được tốc độ của bộ nhớ RAM, do đó nó cũng được trang bị thêm bộ nhớ đệm (Cache) để giúp tăng tốc độ truy xuất dữ liệu. Bộ nhớ đệm này có dung lượng càng lớn thì càng giúp cho việc truy xuất dữ liệu của SSD càng nhanh.

Tính năng sửa lỗi của ổ dĩa SSD (ECC)

  • Cũng giống như bộ nhớ, SSD cũng có loại thường None-ECC và loại có tính năng tự sửa lỗi ECC (Error-correcting code). 

Thời hạn bảo hành của ổ dĩa SSD

  • Tùy theo mỗi nhà sản xuất mà SSD sẽ có chế độ và thời hạn bảo hành khác nhau, thông thường là từ 24 -36 tháng.

Cách lựa chọn ổ dĩa SSD cho máy vi tính

  • Dựa vào các thông số bên trên bạn có thể biết được cách lựa chọn ổ dĩa SSD sao cho tương thích với chuẩn kế nối với bản mạch chính (Mainboard) và phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
  • SSD dạng Box 2.5" phù hợp với đa số các máy vi tính để bàn thông thường còn SSD dạng thẻ cắm thính hợp cho máy vi tính sử dụng Mainboard đời mới hoặc máy vi tính xách tay có các khe cắm tương thích.
  • Ổ dĩa SSD có dung lượng càng lớn sẽ có tốc độ càng cao.
  • Các nhà sản xuất thường công bố các công nghệ mới cho ổ dĩa SSD của họ, bạn hãy tham khảo các đánh giá của người sử dụng trước khi lựa chọn.

Bạn có thể kết nối ổ dĩa SSD đời mới có chuẩn SATA3 trên Mainboard đời cũ có chuẩn SATA1 hoặc SATA2, tuy nhiên tốc độ tối đa của SSD sẽ giảm xuống tương ứng với chuẩn kể nối thấp hơn. Dù vậy, nó cũng vẫn nhanh hơn HDD nhiều.

BuaXua.vn