CPU (Center Processing Unit) là đơn vị xử lý trung tâm có nhiệm vụ xử lý các lệnh điều khiển từ chương trình vi tính và cho ra các kết quả thực thi đến các bộ phận tương ứng. Sức mạnh và tốc độ của máy vi tính thường được đánh giá qua tốc độ của CPU. Hiện nay có rất nhiều loại CPU với các công nghệ và tốc độ xử lý khác nhau đáp ứng cho mọi nhu cầu của người sử dụng.

Các thông số cần biết của CPU

Nhà sản xuất

Hiện nay có 2 nhà sản xuất CPU lớn đó là Intel và AMD, việc chọn nhà sản xuất nào cũng chủ yếu là do cảm tính của người sử dụng.

CPU Intel và AMD
CPU Intel và AMD

  • CPU Intel được nhiều người lựa chọn do sự nổi tiếng của thương hiệu, tính ổn định cũng như sự tương thích của nó.
  • CPU AMD (Advanced Micro Devices) được nhiều người đánh giá có tốc độ "vọt" nhưng tỏa nhiệt nhiều, mà yếu tố nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của toàn hệ thống. Nếu vấn đề nhiệt độ được giải quyết tốt thì AMD là một lựa chọn đáng quan tâm vì nó có giá thành rẻ.

Tốc độ xử lý của CPU (Speed)

  • Tốc độ xử lý của CPU hay còn được gọi là tốc độ xung nhịp (Clock Speed). Nó có nghĩa là số xung nhịp CPU có thể thực hiện trong chu kỳ 1 giây hoặc tương đương.
  • Tốc độ xung nhịp của thế hệ máy tính đầu tiên được đo bằng hertz hoặc kilohertz (kHz), nhưng hiện nay tốc độ của các CPU là gigahertz (GHz), 1GHz = 109Hz.
  • Thông thường nhiều người hay đánh giá sức mạnh của máy vi tính thông qua tốc độ của CPU, tuy nhiên số liệu này chỉ có thể dùng khi so sánh giữa các bộ vi xử lý trong cùng một dòng (thế hệ) với nhau. Sức mạnh thật sự của CPU còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, bạn hãy xem tiếp bên dưới...

CPU đa nhân (Multi-Core) và đa luồng (Multi-Threading)

  • Nhân (Core) là một đơn vị xử lý của CPU. Một CPU đa nhân có nghĩa là nó có 2 hay nhiều đơn vị xử lý được tích hợp bên trong, giúp CPU có thể thực hiện hai hay nhiều nhiệm vụ khác nhau cùng một lúc. Các CPU đời mới ngày càng có nhiều nhân hơn (2 nhân: Dual Core, 4 nhân: Quad Core, 6 nhân: Hexa Core,...) và do đó hiệu năng cũng cao hơn các CPU đời cũ.
  • Đa luồng xử lý dữ liệu (Multi-Thread) giúp một CPU đơn nhân hoặc 1 nhân của CPU đa nhân xử lý được nhiều dữ liệu đồng thời, được hỗ trợ một cách hợp lý bởi hệ điều hành. Hệ điều hành Windows nhận biết mỗi luồng như là một CPU riêng, tuy nhiên đây chỉ là công nghệ siêu phân luồng (Hyper-threading), giúp tạo thành 1 nhân ảo do đó hiệu năng của nó không thể bằng với nhân thật của CPU. 

CPU 4 Core 4 thread có nghĩa là CPU này có 4 đơn vị xử lý (4 nhân, 4 lõi) bên trong và có thể xử lý đồng thời 4 luồng dữ liệu. CPU 4 Core 8 Thread có nghĩa là CPU này có 4 nhân bên trong và mỗi nhân có thể xử lý đồng thời 2 luồng dữ liệu nên tổng cộng có thể xử lý được 8 luồng dữ liệu cùng lúc. Như vậy rõ ràng là CPU 4 Core 8 Thread có hiệu năng xử lý cao hơn CPU 4 Core 4 Thread khá nhiều.

CPU đa nhân đa luồng
CPU đa nhân đa luồng

Tốc độ Bus (Bus Speed) của CPU

  • Tốc độ Bus của CPU thường dùng để chỉ tốc độ của Bus phía trước (FSB), là tốc độ của xung truyền dữ liệu giữa CPU và trung tâm điều khiển bộ nhớ (Chipset) nằm trên bản mạch chính (Mainboard, MotherBoard). Tốc độ Bus được tính bằng Mhz (Megahertz) .
  • Tốc độ FSB ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất của máy tính.

Bộ nhớ đệm (Cache) bên trong của CPU

  • Bộ nhớ đệm nằm bên trong CPU có tốc độ truy xuất dữ liệu rất cao nên có thể đáp ứng được tốc độ xử lý của CPU. Bộ nhớ đệm càng lớn thì việc tiếp nhận và lưu dữ liệu để xử lý càng nhiều hơn qua đó làm tăng tốc độ xử lý của CPU và dĩ nhiên giá thành của CPU cũng càng cao.
  • Đối với CPU đa nhân, bộ nhớ đệm sẽ được chia đều cho mỗi nhân.
  • Các CPU đời cũ, rẻ tiền thường có bộ nhớ đệm rất ít. Các CPU đời mới hiện nay có bộ nhớ đệm rất lớn với nhiều cấp độ L1, L2, L3 (Level 1, Level 2, Level 3). 

CPU  tích hợp bộ xử lý đồ họa (GPU, Graphics Processing Unit)

  • Một số CPU được tích hợp thêm bộ xử lý đồ họa (GPU). Chức năng của GPU là hỗ trợ việc hiển thị đồ họa và các hiệu ứng hình ảnh thay cho CPU.
  • GPU được tích hợp vào CPU thường có hiệu năng không cao bằng các thiết bị đồ họa riêng biệt (VGA Card), nhất là trong việc xử lý đồ họa 3D và không phải CPU nào cũng được tích hợp GPU.
  • Nếu CPU được tích hợp thêm bộ xử lý đồ họa thì bạn sẽ biết thêm thông tin về tên của chip xử lý đồ họa và tốc độ xung (Clock speed) của nó.

Chuẩn chân cắm của CPU (Socket)

  • Chuẩn chân cắm của CPU được phân biệt và gọi tên theo hình dáng và số lượng chân cắm của CPU. Bạn hãy ghi nhớ thông số này để lựa chọn bản mạch chính (Mainboard) cho phù hợp với CPU.

Hỗ trợ bộ nhớ (Memory Specifications)

  • Thông số này ít được công bố, nó cho biết CPU hỗ trợ bộ nhớ loại gì, có dung lượng tối đa là bao nhiêu, và tối đa là bao nhiêu kênh.

Phụ kiện kèm theo CPU

  • CPU đầy đủ sẽ bao gồm: Hộp đựng bên ngoài, CPU được đựng trong khay, vĩ bằng nhựa bên trong, Logo dán, sách giới thiệu, hướng dẫn, có thể kèm theo tem, giấy chứng nhận sản phẩm chính hiệu.
  • Thông thường quạt và bộ phận tản nhiệt sẽ được đóng gói kèm theo CPU, tuy nhiên có một số CPU không được kèm theo, bạn phải mua thêm chúng.
  • Một số loại CPU thuộc dạng rời (Tray) không có hộp và giấy chứng nhận được bán với giá rẻ hơn.

Bộ CPU kèm quạt và tản nhiệt
Bộ CPU kèm quạt và tản nhiệt

Bảo hành

  • CPU mới thường được bảo hành 36 tháng (3 năm) với điều kiện tem bảo hành còn giá trị và không có hiện tượng bị cháy nổ, hư hỏng chân cắm...

Trên đây là các thông số chính của CPU thường được các cửa hàng giới thiệu khi bán. Ngoải nhưng thông số này ra, CPU còn rất nhiều thông số khác nhưng có lẽ nó không cần quan tâm đối với những người sử dụng thông thường.

Bạn có thể tra cứu thông tin chi tiết của CPU tại trang web:
* CPU Intel: https://www.intel.com/content/www/us/en/products/processors.html
* CPU AMD: http://www.amd.com/en-us/products/processors

Lựa chọn CPU cho máy vi tính

Dựa vào các thông số bên trên bạn có thể biết đươc CPU nào có tốc độ cao hơn, hiệu năng của chúng ra sao để có thể lựa chọn CPU phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. 

Lựa chọn CPU phù hợp với hệ điều hành

  • Windows XP chỉ yêu cầu CPU có tốc độ từ 300MHz trở lên. Các phiên bản Windows mới hơn như 7, 8 10 yêu cầu CPU có tốc độ từ 1GHz trở lên.
  • Nếu chọn CPU cũ thì bạn hãy chú ý các tốc độ như trên. Còn các CPU mới hiện nay đều đáp ứng tốt các hệ điều hành, kể cả các CPU có tốc độ thấp nhất và giá rẻ nhất như Intel Celeron hoặc AMD A4.

Các CPU từ thế hệ thứ 7 của Intel (Kaby Lake) và AMD (Zen) chỉ tương thích với hệ điều hành Windows 10.

Lựa chọn CPU phù hợp với các chương trình ứng dụng

  • Các chương trình ứng dụng văn phòng thông thường như MS Office hoặc truy cập Internet cũng không đòi hỏi CPU có tốc độ cao hơn so với yêu cầu của hệ diều hành.
  • Các ứng dụng xử lý ảnh thông dụng Photoshop CC và biên tập phim Premiere Pro CC yêu cầu tối thiểu CPU Intel Core 2 hoặc AMD Athlon 64 có tốc độ 2GHz hoặc cao hơn.
  • Xem phim chuẩn VCD, DVD, SD và HD thông thường bạn cần CPU có tốc độ khoảng 1.5Ghz (Dual core, 2 nhân) hoặc 2.6Ghz (single core, 1 nhân).
  • Xem phim chuẩn Full HD (1080p) bạn cần CPU có tốc độ ít nhất là 2.4Ghz (dual core, 2 nhân) hoặc 3.5Ghz (single Core, 1 nhân).
  • Để xem phim chuẩn 4K bạn cần CPU thế hệ thứ 4 của Intel hoặc AMD tương đương.

Lựa chọn CPU phù hợp với các trò chơi

  • Các trò chơi thông thường sẽ công bố yêu cầu hệ thống cần thiết để chơi trò chơi này, bạn hãy chú ý các thông số này để lựa chọn CPU cho thích hợp.

Đối với các ứng dụng, trò chơi có hiệu ứng đồ họa cao, 3D,... nhà sản xuất sẽ cho biết các loại thiết bị đồ họa (Video card) nào sẽ đáp ứng được trò chơi này. Sau khi chọn được thiết bị đồ họa thích hợp bạn hãy xem các thông số của nó để biết được loại CPU nào tương thích với thiết bị đồ họa. So sánh giữa yêu cầu CPU của ứng dụng và thiết bị đồ họa bạn sẽ biết được CPU nào phù hợp với nhu cầu của mình.

 Lựa chọn CPU phù hợp với chi phí

  •  Nếu chi phí ít, bạn hãy lựa chọn CPU đáp ứng được mức yêu cầu tối thiểu (Minimum requirements) của các chương trình ứng dụng, trò chơi,...
  • Nếu chi phí không thành vấn đề thì bạn hãy lựa chọn CPU đáp ứng được yêu cầu đề nghị (Recommended requirements) hoặc tối đa (Maximum requirements) của các chương trình ứng dụng, trò chơi.
  • Bạn có thể chọn các loại CPU đời mới nhất, những loại này thường có công nghệ mới nhất, tốc độ cao nhất ở thời điểm hiện tại và sẽ vẫn tiếp tục đáp ứng được các nhu cầu sử dụng của bạn trong tương lai... gần (chỉ gần thôi, vì tốc độ phát triển... quá chóng mặt).

Bạn cần lưu ý so sánh giữa hiệu năng và giá thành của các CPU với nhau, đây thường là tiêu chí lựa chọn CPU của những người trong nghề. 

Lựa chọn CPU đồng bộ với các linh kiện thiết bị khác của máy vi tính

  • Nếu bạn đã có sẵn bản mạch chính (Mainboard) rồi thì thãy chú ý là CPU phải tương thích với đế cắm (Slot, Socket) trên bản mạch chính. 
  • Bạn không nên sử dụng CPU có tốc độ quá thấp trong khi lại sử dụng một thiết bị đồ họa cao cấp hay ngược lai. Thay vào đó bạn nên cân nhắc việc cân bằng hiệu năng của các linh kiện với nhau để tránh trường hợp máy vi tính của bạn không phát huy được hết tốc độ do bị hiện tượng "nút thắt cổ chai".

CPU và Mainboard phải tương thích với nhau, tài lệu kèm theo Mainboard sẽ cho biết nó hỗ trợ những loại CPU nào. Bạn hãy xem bài hướng dẫn cách lựa chọn bản mạch chính - Mainboard cho máy vi tính

Bảng tham khảo điểm so sánh hiệu năng giữa các loại CPU

Bạn có thể dựa theo các thông số so sánh hiệu năng giữa các loại CPU với nhau để lựa chọn CPU sao cho cân bằng giữa tốc độ và giá thành.

Các thông số của CPU được đánh giá dựa trên các kiểm tra sau

Các kiểm tra cơ bản:

  • CPU tests Mathematical operations, compression, encryption, SSE, 3DNow! instructions and more
  • 2D graphics tests Drawing lines, bitmaps, fonts, text, and GUI elements
  • 3D graphics tests Simple to complex DirectX 3D graphics and animations
  • Disk tests Reading, writing and seeking within disk files
  • Memory tests Allocating and accessing memory speed and efficiency

Các kiểm tra cấu hình mở rộng:

  • Advanced Disk
  • Advanced CD / DVD
  • Advanced 3D graphics
  • Advanced Networking (for Ethernet, Internet and Wireless)
  • Advanced Memory
  • Advanced Visualized Physics
  • Advanced DirectCompute

 

BuaXua.vn

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.