Máy vi tính xách tay (Laptop, Notebook, MacBook) có những bộ phận nào? Các bộ phận này có nhiệm vụ gì? Chúng hoạt động ra sao? Đó là những câu hỏi của những ai lần đầu nghe nói đến máy vi tính xách tay. Máy vi tính xách tay cũng có đầy đủ các bộ phận như máy vi tính để bàn nhưng được thiết kế nhỏ gọn hơn để phù hợp với kiểu dáng và tính năng của chúng. Sau đây một số bộ phận và chức năng chính của máy vi tính xách tay.
Các loại máy vi tính xách tay khác nhau
Có nhiều loại máy vi tính xách tay khác nhau, tuy nhiên chúng ta chỉ nói đến các máy vi tính xách tay thông dụng như Laptop hay NoteBook, MacBook và ChromeBook.
Laptop hay NoteBook
- Laptop thường được gọi chung cho các máy vi tính xách tay thông dụng, còn NoteBook là các máy vi tính xách tay nhỏ gọn hơn. Laptop thường dùng hệ điều hành Windows của MicroSoft.
- Có rất nhiều thương hiệu Laptop và nhà sản xuất. Các thương hiệu lớn thường cung cấp dịch vụ và hỗ trợ tốt, bao gồm tài liệu hướng dẫn sử dụng và hỗ trợ tải xuống trình điều khiển luôn có sẵn trong nhiều năm sau khi một mẫu Laptop có thể không còn được sản xuất.
- Các Laptop dùng hệ điều hành Windows luôn dễ dàng cài đặt thêm các ứng dụng được tải về từ các trang web hoặc thông qua Microsoft Store.
MacBook
- MacBook thường được gọi chung cho các máy vi tính xách tay của hãng Apple. MacBook dùng hệ điều hành macOS của Apple.
- MacBook ưu tiên tính đồng bộ về thiết kế lẫn trải nghiệm nên sẽ có thiết kế chung cho nhiều đời. MacBook không có nhiều lựa chọn về phần cứng, các sản phẩm được ra mắt mỗi năm được cải tiến về CPU, RAM, SSD, GPU,..không được đa dạng như các mẫu laptop khác.
- MacBook không thể cài đặt được các ứng dụng của Windows do chạy hệ điều hành macOS. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cài đặt thêm ứng dụng bằng cách tải về từ các trang web hoặc thông qua App Store.
Chromebook
- Chromebook là máy tính xách tay dùng hệ điều hành ChromeOS của Google thay vì hệ điều hành Windows trên các laptop Windows hay MacOS trên các dòng MacBook. ChromeOS là một phần mở rộng của của trình duyệt Google Chrome nên về cơ bản, ChromeBook là một chiếc máy tính xách tay chạy trình duyệt Google Chrome.
- ChromeBook không thể cài đặt được các ứng dụng của MacOS hay Windows do chạy hệ điều hành ChromeOS. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cài đặt phần tiện ích mở rộng của Chrome hoặc ứng dụng Android (trong ứng dụng CH Play) để mở rộng thêm nhiều chức năng.
- Các dòng Chromebook mới hơn cũng hỗ trợ ứng dụng Linux nên chúng sẽ hoạt động giống với chiếc máy tính thông thường.
Hình dáng bên ngoài của máy vi tính xách tay
Màn hình - Display của máy vi tính xách tay
Kích thước của máy vi tính xách tay tùy thuộc vào màn hình của nó. Do đó khi đề cập đến máy vi tính xách tay nhỏ hay lớn người ta thường nói đến kích thước của màn hình như: 12" (Inches) hay 14", 17",... đây là kích thước đường chéo của màn hình, tính theo đơn vị Inche (1 Inche = 2.54 cm) và kích thước này có thể là số lẻ: 11.6", 13.3" hoặc 15.6",...
Tùy theo kích thước của màn hình mà máy vi tính xách tay được phân thành các loại như sau
- Loại siêu di động (Ultraportable): Kích thước màn hình từ 13.3" trở xuống.
- Loại mỏng và nhẹ (Thin and Light): Kích thước màn hình từ 14" đến 16"
- Loại thay thế máy vi tính để bàn (Desktop Replacement): Kích thước màn hình từ 17" đến 19"
- Loại rất lớn (Luggables): Kích thước màn hình 20" và to hơn
Ngoài ra, cũng giống như màn hình của máy vi tính để bàn, màn hình của máy vi tính xách tay cũng có 2 chuẩn hình dáng khác nhau
- Màn hình vuông (Square) có tỉ lệ chiều ngang và chiều cao (dọc) là 4:3. Đây là loại màn hình truyền thống, thường thấy ở các máy vi tính xách tay đời cũ.
- Màn hình rộng (Wide) có tỉ lệ chiều ngang và chiều cao (dọc) là 16:9. Đây là loại màn hình thông dụng hiện nay, nó có thể hiển thị hình ảnh chuẩn HD phù hợp với việc giải trí.
Glossy hay Matte: Màn hình gương hay màn hình nhám mờ
Màn hình gương rất bóng nhờ lớp bảo vệ được phủ lên lên trên bề mặt hiển thị nhung có lẽ điểm yếu của màn hình gương cũng chính là sự phản quang này, nó gây mỏi mắt hơn so với màn hình nhám mờ. Tuy nhiên nhiều người vẫn thích màn hình gương vì trông nó bóng bấy và sang trọng.
* Các thông số khác của màn hình như: chất liệu, độ phân giải,... sẽ được đề cập tới trong các bài viết khác.
Bàn phím và thiết bị trỏ chuột - Keyboard & Mouse của máy vi tính xách tay
- Những Loại máy vi tính xách tay mỏng và nhẹ thường có kích thước các phím nhỏ và khoảng cách giữa các phím bị rút ngắn, cách thiết kế cũng khác với bàn phím thông thường. Một số phím chức năng như điều chỉnh màn hình, âm thanh... thường được tích hợp trên bàn phím.
- Các máy vi tính xách tay nhỏ sẽ không có bàn phím số riêng nằm bên phải như các bàn phím thông thường.
- Thiết bị trỏ (chuột) của máy vi tính xách tay thường có dạng cảm ứng chạm tay (touchpad), nếu không quen sử dụng thì bạn có thể gắn thêm chuột ngoài thông qua cổng Mouse (PS/2), USB, Type-C hoặc kết nối không dây để sử dụng.
Các phím tắt, bàn phím trên MacBook có sự khác biệt so với các Laptop thông thường.
Các cổng kết nối của máy vi tính xách tay
- Cổng kết nối mạng thông qua Modem, Ethernet luôn có sẵn cho máy vi tính xách tay.
- Kết nối mạng Internet không dây (Wireless) là lựa chọn không thể thiếu, tuy nhiên nên lưu ý là các máy đời cũ sẽ có chuẩn kết nối Internet tốc độ thấp.
- Máy vi tính xách tay thường được trang bị sẵn loa (Speaker), Micro, các nút chỉnh âm thanh và lỗ gắn tai nghe.
- Một số máy vi tính xách tay cũ còn giữ lại cổng PS/2 sử dụng cho chuột và bàn phím, cổng song song (Parallel port) sử dụng cho máy in... tuy nhiên giao tiếp USB, Type-C,... tốc độ cao được sử dụng phổ biến hơn. Ngoài ra, một số giao tiếp khác như khe PC card (PCMCIA), FireWire (IEEE 1394) kết nối với thiết bị kỹ thuật số bên ngoài, VGA, HDMI,... để kết nối với màn hình bên ngoài... Kết nối không dây Bluetooth cũng được sử dụng để kết nối với điện thoại di động, PDA...
- Máy vi tính xách tay đời mới còn trang bị thêm ổ đọc thẻ nhớ (Reader), hỗ trợ các loại thẻ nhớ thông dụng như: CF, SD, MMC, MS... Những loại thẻ nhớ này ngày càng thông dụng bởi các thiết bị như PDA, máy ảnh số, điện thoại di động... đều hỗ trợ và sử dụng.
- Ngoài ra máy vi tính xách tay còn có thể được trang bị thêm thiết bị thu hình (Webcam) hỗ trợ trong công việc liên lạc, hội thoại trực tuyến. Công nghệ bảo mật khóa máy bằng dấu vân tay (Finger Print Locked),...
Các bộ phận bên trong của máy vi tính xách tay
Bản mạch chính - Mainboard của máy vi tính xách tay
Bản mạch chính là nền tảng, nó quyết định đến tốc độ, sự ổn định của toàn hệ thống. Bản mạch chính của máy vi tính xách tay được chế tạo đặc biệt để phù hợp với hình dáng của vỏ máy, chúng thường tích hợp sẵn các thiết bị như xử lý hình ảnh (VGA), âm thanh (Sound), kết nối mạng (Ethernet)... để giúp cho máy được gọn nhẹ.
Bộ vi xử lý - CPU của máy vi tính xách tay
- Sức mạnh của máy vi tính thường được đánh giá qua tốc độ của CPU. CPU của máy vi tính xách tay được chế tạo đặc biệt để có thể tiêu hao ít năng lượng mà vẫn đạt hiệu suất cao, đó là các CPU có ký hiệu M (Mobile).
- Một số máy vi tính xách tay sử dụng CPU dành cho máy vi tính để bàn (desktop) với các công nghệ mới nhất, tuy nhiên vì có công suất cao nên làm giảm thời gian sử dụng khi dùng Pin.
- Các hãng sản xuất máy vi tính xách tay thường đưa ra 2 dòng sản phẩm sử dụng CPU cấp thấp cho người dùng thông thường và cao cấp dành cho chuyên nghiệp.
Bộ nhớ hệ thống - RAM của máy vi tính xách tay
- RAM là bộ nhớ của máy vi tính, nơi lưu dữ liệu tạm thời để xử lý, càng nhiều RAM sẽ giúp tăng thêm khả năng xử lý. Hiện nay máy vi tính xách tay nên có tối thiểu là 4GB RAM, nếu có sử dụng chương trình đồ họa, trò chơi... thì nên có ít nhất 8GB RAM hoặc nhiều hơn.
Thiết bị đồ họa - VGA của máy vi tính xách tay
- Nếu chỉ sử dụng các chương trình văn phòng, Internet... thông thường bộ nhớ đồ họa của máy vi tính xách chỉ cần dùng chung (share) với bộ nhớ hệ thống.
- Các máy vi tính xách tay cao cấp, cấu hình mạnh sẽ được trang bị thiết bị đồ họa rời.
- Việc sử dụng các chương trình đồ họa trên máy vi tính xách và những chương trình đòi hỏi khả năng xử lý đồ hoạ cao cấp thì lượng bộ nhớ đồ hoạ cần 4GB hoặc hơn và bộ nhớ này của riêng VGA chứ không phải lấy từ bộ nhớ hệ thống.
- Các máy vi tính xách tay sử dụng bộ nhớ hệ thống làm bộ nhớ đồ hoạ giúp tiết kiệm chi phí, nhưng khả năng xử lý đồ hoạ sẽ không bằng sử dụng bộ nhớ riêng. Ngoài ra khả năng xử lý đồ hoạ còn phụ thuộc rất lớn vào bộ vi xử lý đồ hoạ.
Ổ đĩa cứng - HDD của máy vi tính xách tay
- Ổ dĩa chứng là nơi chứa dữ liệu như Hệ điều hành, các chương trình ứng dụng, các thông tin và tài liệu của người sử dụng.
- Ổ đĩa cứng của máy vi tính xách tay nhỏ, mỏng, gọn nhẹ, hoạt động êm, và đặc biệt là khả năng chống sốc cao... Hiện nay dung lượng ổ đĩa cứng cho máy vi tính xách tay loại cũ thường là khoảng 500GB, một số máy vi tính xách tay cao cấp có dung lượng lên tới 1TB (khoảng 1000GB) hoặc lớn hơn.
- Hiện nay các máy vi tính xách tay đời mới được trang bị ổ cứng SSD (Solid-State Drive), đây là ổ đĩa cứng dạng rắn, có tốc độ truy xuất cao hơn HDD.
Thông thường chỉ cần khoảng 100GB cho hệ thống và chương trình ứng dụng cơ bản là đủ, tuy nhiên cũng cần phải tính thêm cho các dữ liệu, media (nhạc, phim, ảnh)...
Ổ dĩa quang - CD/DVD của máy vi tính xách tay
Các máy vi tính xách tay thường được trang bị ổ CD-RW hoặc DVD Combo có thể đọc DVD và ghi dĩa CD-ROM được. Những máy cấu hình cao thường được trang bị DVD-RW, trong khi những máy vi tính xách tay nhỏ có thể không có ổ dĩa quang.
Hiện nay, các thiết bị lưu trữ USB được trở nên thông dụng và với sự xuất hiện của công nghệ lưu trữ đám mây - Cloud storage, các máy vi tính xách tay không còn trang bị ổ dĩa quang nữa, việc này cũng giúp giảm bớt trọng lượng, kích thước và giá thành của máy vi tính xách tay.
Các phụ kiện kèm theo của máy vi tính xách tay
Pin của máy vi tính xách tay
- Thời gian dùng pin của máy vi tính xách tay là một yếu tố khá quan trọng và thường được xem xét trước khi mua. Tuy nhiên các thông số này chỉ tương đối, nó còn tùy thuộc vào cách sử dụng của từng người.
- Hiện nay với công nghệ tiết kiệm điện năng thì khả năng sử dụng pin của máy vi tính xách tay đã tăng lên đáng kể.
- Máy vi tính xách tay sử dụng pin Lithium có thể sạc lại nhanh và cho thời gian sử dụng lâu hơn. Tuy nhiên loại pin này được tích hợp vào bên trong máy và không thể tháo lắp như trước.
Bộ biến điện - Adaptor của máy vi tính xách tay
- Bộ biến điện dùng để cung cấp điện DC cho máy vi tính xách tay hoạt động và dùng để sạc Pin. Bộ biến điện được cung cấp kèm theo máy vi tính xách tay.
Tài liệu hướng dẫn và bộ dĩa cài đặt dành cho máy vi tính xách tay
- Máy vi tính xách tay đời cũ thường có dĩa chương trình cài đặt dành riêng kèm theo, Các dĩa này dùng để phục hồi các chương trình của máy trở lại trạng thái ban đầu và chứa các chương trình điều khiển thiết bị, tiện ích cho máy.
- Các máy vi tính xách tay đời mới sử dụng hệ điều hành Windows 10 trở lên hoặc macOS sẽ lưu trữ bản cài đặt gốc trên một phân vùng hệ thống của ổ dĩa. Việc này sẽ giúp cho bạn dễ dàng khôi phục lại hệ thống của máy vi tính một cách dễ dàng.
- Ngoài ra còn có thể có phần mềm hệ thống (Windows, macOS, Linux,...) và các ứng dụng văn phòng cơ bản, giải trí, Internet... những phần mềm này có thể được tính chung hoặc riêng với giá thành của máy.
Khi mua máy vi tính xách tay cần phải lưu ý đến phần mềm kèm theo máy. Nếu máy được cài đặt sẵn Hệ điều hành (Windows) thì sẽ có tem bản quyền và số CD Key (Serial) được dán ở phía dưới thân máy, trên đó có ghi rõ phiên bản Hệ điều hành được cài đặt.
Trọng lượng của máy vi tính xách tay
- Trọng lượng là yếu tố rất quan trọng và cũng là lý do để các hãng sản xuất tăng giá thành sản phẩm. Những chiếc máy vi tính xách tay nào có trọng lượng càng nhẹ và càng mỏng thì giá càng cao. Những kiểu thông thường có đầy đủ các tính năng thường có trọng lượng khoảng từ 3kg đến 4kg. Những kiểu được xếp vào loại mỏng và nhẹ thường trong khoảng từ 1,5kg tới 2,5kg.
- Thông thường để giảm bớt trọng lượng cho máy vi tính xách tay có thể những tính năng nào đó sẽ bị cắt giảm như: màn hình nhỏ hơn, không có ổ đĩa quang...