Máy vi tính để bàn - Desktop Computer có những bộ phận nào? Các bộ phận này có chức năng gì? Ngoài các thiết bị bên ngoài có thể nhìn thấy được như màn hình, bàn phím, chuột,... các thiết bị, linh kiện còn lại khác được lắp đặt bên trong thùng máy. Bài viết này sẽ đề cập đến một số bộ phận và chức năng chính của máy vi tính để bàn để các bạn có thể hiểu rõ hơn về nó.
Hình dáng bên ngoài của máy vi tính để bàn
Thùng máy - Vỏ máy (Case) của máy vi tính để bàn
- Thùng máy là bộ phận chứa các thiết bi, linh kiện của máy vi tính. Thùng máy có hình dáng bên ngoài và màu sắc rất đa dạng và thường được người sử dụng lựa chọn theo cảm tính.
- Tùy theo kích thước và hình dáng mà thùng máy được phân chia thành các loại sau:
- Desktop/HTPC: Loại thùng máy để nằm ngang. Loại thùng máy này gọn nhẹ, có thể để trên bàn làm việc và thường được đặt màn hình lên phía trên.
- Micro-Tower: Loại thùng máy để đứng. Loại thùng máy này nhỏ gọn, có thể để trên bàn làm việc hoặc phía dưới.
- Mid-Tower: Loại thùng máy để đứng. Loại thùng máy này lớn hơn Micro-Tower, có thể để trên bàn làm việc hoặc phía dưới.
- Full-Tower: Loại thùng máy để đứng. Loại thùng máy này lớn nhất, tuy nhiên nó cũng có thể để trên bàn làm việc hoặc phía dưới.
Thùng máy càng lớn thì càng có nhiều chỗ để có thẻ gắn thêm các thiết bị, linh kiện khác khi cần thiết và khả năng giải nhiệt cũng tốt hơn.
Màn hình (Monitor) của máy vi tính để bàn
- Màn hình là thiết bị giúp hiển thị thông tin, hình ảnh của máy vi tính. Dữ liệu sau khi xử lý sẽ được xuất ra màn hình thông qua thiết bị đồ họa - Video Card hay Video Adapter - VGA.
- Màn hình máy vi tính để bàn có nhieuf loại, trong đó màn hình đời cũ sử dụng bóng đèn hình (CRT) có kích thước lớn và nặng hiện rất ít được sử dụng. Loại màn hình đời mới sử dụng công nghệ tinh thể lỏng (LCD), mỏng và nhẹ hơn nên được sử dụng rộng rãi.
- Màn hình của máy vi tính để bàn có nhiều kích thước khác nhau và được tính theo tỉ lệ giửa kích thước chiều ngang và chiều cao với 2 loại thông dụng là:
- Màn hình vuông (Square) có tỉ lệ chiều ngang và chiều cao (dọc) là 4:3. Đây là loại màn hình truyền thống, thường thấy ở các máy vi tính xách tay đời cũ.
- Màn hình rộng (Wide) có tỉ lệ chiều ngang và chiều cao (dọc) là 16:9. Đây là loại màn hình thông dụng hiện nay, nó có thể hiển thị hình ảnh chuẩn Full HD phù hợp với công việc đồ họa và giải trí.
- Các máy vi tính hiện nay hầu hết đều sử dụng màn hình LCD với các ưu điểm như gọn nhẹ, tiết kiệm năng lượng, hình ảnh đẹp và nhất là đỡ hại mắt hơn màn hình CRT.
- Kích thước màn hình thông dụng cho máy vi tính để bàn hiện nay it nhất là 17". Tuy nhiên tùy theo nhu cầu sử dụng bạn có thể chọn loại lớn hơn.
* Các thông số khác của màn hình như: chất liệu, độ phân giải,... sẽ được đề cập tới trong các bài viết khác.
Bàn phím và Chuột (Keyboard & Mouse) của máy vi tính để bàn
Bàn phím (Keyboard) | Chuột (Mouse) |
- Bàn phím (Keyboard) của máy vi tính giúp người sử dụng nhập dữ liệu, thông tin cho máy vi tính xử lý. Bàn phím của máy vi tính để bàn nằm rời bên ngoài và được kết nối với các bộ phận bên trong thùng máy bằng dây dẫn có đầu cắm chuẩn PS/2 (đời cũ) hoặc chuẩn USB (đời mới) và có loại dùng kết nối không dây (Wireless).
- Chuột (Mouse) của máy vi tính là thiết bị giúp người sử dụng giao tiếp với máy tính qua giao diện đồ họa. Chuột của máy vi tính để bàn nằm rời bên ngoài, và được kết nối với các bộ phận bên trong thùng máy bằng dây dẫn có đầu cắm chuẩn PS/2 (đời cũ) hoặc chuẩn USB (đời mới) và có loại dùng kết nối không dây (Wireless). Chuôt có rất nhiều loại và kiểu dáng khác nhau, có loại thường dùng bi lăn, chuột quang (Optical), chuột không dây (Wireless)...
Các bộ phận, linh kiện bên trong thùng máy vi tính để bàn
Bản mạch chính (Motherboard/Mainboard) của máy vi tính để bàn
- Bản mạch chính là bộ phận giúp liên kết các linh kiện của máy vi tính với nhau. Đây là nền tảng, quyết định đến tốc độ, sự ổn định của toàn hệ thống. Tất cả các linh kiện khác đều phải tương thích và được hỗ trợ bởi Bản mạch chính. Các thông số ghi trên Bản mạch chính sẽ cho bạn biết bạn có thể sử dụng những linh kiện gì với nó, chẳng hạn bạn không thể sử dụng CPU có khe cắm khác và tốc độ cao hơn khả năng của Bản mạch chính.
- Bản mạch chính hiện này thường tích hợp sẵn các thiết bị xử lý hình ảnh (Video Card, VGA), âm thanh (Audio, Sound), kết nối mạng (Ethernet)...
- Bản mạch chính cũng có các kích thước khác nhau để phù hợp với kích thước của thùng máy.
Bộ vi xử lý (CPU, Central Processing Unit) của máy vi tính để bàn
- CPU là Chip vi xử lý, có nhiệm vụ xử lý các dữ liệu chương trình của máy vi tính. Sức mạnh của máy vi tính thường được đánh giá qua tốc độ của CPU.
- CPU phải tương thích với bản mạch chính.
- Các nhà sản xuất thường đưa ra nhiều dòng sản phẩm CPU với nhiều công nghệ và tốc độ khác nhau, dòng cấp thấp cho người dùng thông thường và cao cấp dành cho chuyên nghiệp.
Bộ nhớ hệ thống (RAM, Random Access Memory) của máy vi tính để bàn
- RAM là nơi lưu dữ liệu tạm thời để CPU xử lý, càng nhiều RAM sẽ giúp tăng thêm khả năng xử lý.
- RAM phải tương thích với bản mạch chính.
- Hiện nay máy vi tính để bàn nên có tối thiểu là 1GB RAM. Nếu có sử dụng chương trình đồ họa, trò chơi... thì nên có 2GB hoặc nhiều hơn.
Thiết bị xử lý đồ họa (Video Card, VGA - Video Graphics Adapter) của máy vi tính để bàn
- Thiết bị xử lý đồ họa dùng để xuất dữ liệu từ máy vi tính ra màn hình.
- Thiết bị xử lý đồ họa của máy vi tính để bàn được phân làm 2 loại, loại được tích hợp sẵn trên bản mạch chính (VGA Onboard) và loại rời (VGA Card) được gắn vào khe cắm trên bản mạch chính.
- Thiết bị xử lý đồ họa OnBoard dùng chung bộ nhớ RAM của hệ thống, loại này thích hợp cho các ứng dụng thông thường như văn phòng, Internet... Nếu sử dụng các chương trình đồ họa hay những chương trình đòi hỏi khả năng xử lý đồ hoạ cao (chương trình xử lý ảnh, trò chơi 3D,...) thì cần phải có VGA rời với bộ nhớ riêng cao hơn.
- VGA rời có nhiều chuẩn khác nhau và phải tương thích với khe cắm trên bản mạch chính. Các cổng giao tiếp cũng phải tương thích với màn hình.
Ổ dĩa cứng (HDD, Hard Disk Drive) của máy vi tính để bàn
- Ổ đĩa cứng là thiết bị chứa các chương trình giúp máy vi tinh hoạt động và chứa dữ liệu của người sử dụng.
- Ổ đĩa cứng có chuẩn giao tiếp thông dụng là ATA (đời cũ) tốc độ thấp và chuẩn giao tiếp SATA có tốc độ cao hơn. Ngoài ra còn có chuẩn giao tiếp SCSI dành cho các hệ thống máy chủ. Các chuẩn giao tiếp này phải tương thích với bản mạch chính.
- Hiện nay, ổ đĩa cứng của máy vi tính để bàn có dung lượng trung trung bình khoảng 500GB cho đến hơn 1TB (khoảng 1000GB). Thông thường chỉ cần khoảng 50GB cho hệ thống và chương trình ứng dụng là đủ, tuy nhiên cũng cần phải tính thêm dung lượng cho các dữ liệu, media (phim, nhạc, ảnh...)
- Các máy vi tính đời mới có thể được trang bị ổ cứng SSD (Solid-State Drive), đây là ổ đĩa cứng dạng rắn, có tốc độ truy xuất cao hơn HDD.
Ổ dĩa quang (CD/DVD-ROM) của máy vi tính để bàn
- Ổ dĩa quang dùng để đưa thông tin, dữ liệu từ các dĩa CD-ROM, DVD-ROM vào máy vi tính để xử lý.
- Môt số ổ đĩa còn cho phép ghi lại thông tin xuất ra từ máy vi tính lên các dĩa CD-ROM, DVD-ROM để lưu trữ và sử dụng sau này.
- Ổ đĩa quang có chuẩn giao tiếp thông dụng là ATA (đời cũ) tốc độ thấp và chuẩn giao tiếp SATA có tốc độ cao hơn. Các chuẩn giao tiếp này phải tương thích với bản mạch chính.
- Máy vi tính có thể gắn 2 hay nhiều hơn nếu còn đủ chỗ và việc gắn thêm ổ dĩa quang cũng không quá khó. Thông thường may vi tính cũng nên có tối thiểu 1 ổ đĩa quang để sử dụng cho việc cài chương trình và sử dụng các phần mềm, phim, nhạc,... trên dĩa CD/DVD.
- Ngày nay, với sự xuất hiện của các ổ dĩa USB, thẻ nhớ, lưu trữ đám mây,... nên các ổ dĩa quang it được sử dụng tới.
Bộ nguồn (PSU - Power Supply Unit) của máy vi tính để bàn
- Bộ nguồn cung cấp điện cho các thiết bị, linh kiện bên trong thùng máy.
- Bộ nguồn cần phải có các chân cắm tương thích với bản mạch chính và có công suất đủ cao để đáp ứng được các thiết bị bên trong máy vi tính.
- Một bộ nguồn tốt sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng giúp cho các thiết bị phần cứng hoạt động ổn định hơn.
Âm thanh & Loa (Sound & Speaker) của máy vi tính để bàn
- Thiết bị âm thanh dùng để phát ra âm thanh từ máy vi tính. Thiết bị này thường được tích hợp sẵn trên bản mạch chủ, tuy nhiên nếu không có bạn cũng dễ dàng gắn thêm.
- Ngày nay, một máy vi tính thường không thể thiếu âm thanh. Với công nghệ âm thanh vòm (Surround) lên đến 7.1 đem đến những cảm giác thú vị trong các trò chơi, xem phim giải trí...
Thông thường máy vi tính không có sẵn loa nên bạn cần phải trang bị thêm. Loa cũng có nhiều loại từ Stereo (2 loa), 2.1 (hai loa nhỏ và 1 loa lớn phát âm trầm),... cho đến các loại dành cho hệ thống loa âm thành vòm như 5.1, 7.1,...
Các cổng kết nối với các thiết bị bên ngoài (ngoại vi) của máy vi tính để bàn
- Các cổng kết nối với thiết bị ngoại vi đa số đều được tích hợp trên bản mạch chính, cổng PS/2 sử dụng cho chuột và bàn phím, cổng song song (Parallel port) sử dụng cho máy in..., cổng COM sử dung cho các thiết bị đời cũ...
- Cổng USB ngày càng được sử dụng phổ biến nên thường được trang bị nhiều, một số Mainboard có tới 8 cổng USB và bạn có thể đưa ra phía trước để thuận tiện sử dụng.
- Các máy vi tính đời mới còn được trang bị thêm các cổng HDMI (kết nối với các thiết bị chuẩn HD), IE1394 (kết nối với thiết bị KTS), Extenal SATA (kết nối với ổ cứng gắn ngoài),...
* Các thông số khác của các cổng kết nối này sẽ được đề cập tới trong các bài viết khác.
Phần mềm (Software)
- Máy vi tính cần phải được cài đặt chương trình thì mới hoạt động được. Ngoài phần mềm hệ thống (Hệ điều hành) còn có các chương trình ứng dụng, giải trí...
- Ngoài ra mỗi thiết bị của máy vi tính đều cần phải có chương trình điều khiển (Driver) dành riêng kèm theo, có một số thiết bị thông dụng được phần mềm hệ thống hỗ trợ sẵn như bàn phím, chuột,....
Máy vi tính để bàn thường được bán theo bộ lắp ráp sẵn, tuy nhiên nếu muốn bạn có thể tự mình lựa chọn từng linh kiện để lắp ráp theo ý thích.