Từ khi hệ điêu hành chuyển sang giao diện đồ họa thì chuột đã trở thành môt thiết bị không thể thiếu của máy vi tính. Chuột sẽ giúp bạn thao tác nhanh trong các ứng dụng có giao diện đồ họa. Đối với những người sử dụng thông thường thì việc lựa chọn chuột vi tính thường tùy theo cảm tính khi nhìn hình dáng bên ngoài của chúng. Tuy nhiên những gợi ý sau đây sẽ giúp bạn lựa chọn chuột vi tính phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
Chuột vi tính (Mouse, Mice)
Các loại chuột vi tính
Chuột vi tinh có nhiều loại và thường được gọi tên theo cấu tạo của chúng, tuy nhiên, chuột vi tính thông dụng gồm có chuột cơ học (Mechanical Mouse) hay còn gọi là chuột bi (Ball Mouse), chuột lăn bi (TrackBall), chuột quang (Optical mouse) và chuột Laser.
Chuột cơ học (Mechanical Mouse)
- Chuột cơ học hay còn gọi là chuột bi (Ball Mouse) được trang bị một viên bi cao su cứng chuyển động khi di chuyển chuột. Các cảm biến bên trong chuột phát hiện chuyển động và chuyển nó thành tín hiệu điều khiển đưa tới máy vi tính.
- Chuột cơ học được trang bị trên các máy vi tính đời cũ trước đây.
Chuột lăn bi (TrackBall Mouse)
- Chuột lăn bi cũng có cơ chế hoạt động như chuột bi nhưng thay vì di chuyển chuột thì người sử dụng dùng tay xoay viên bi được thiết kế nằm bên trên còn chuột thì vẫn nằm yên một chỗ.
- Chuột lăn bị ít được sử dụng cho các máy vi tính thông thường mà chỉ những thấy trên các máy vi tính chuyên dụng, hỗ trợ thiết kế,...
Chuột quang học (Optical mouse)
- Chuột quang học không sử dụng bi mà sử dụng một cảm biến LED để phát hiện chuyển động của chuột và sau đó gửi các tín hiệu điều khiển đưa tới máy vi tính.
- Chuột quang học có loại sử dụng đèn LED phát ra ánh sáng màu đỏ hoặc xanh và loại sử dụng đèn LED hồng ngoại không nhìn thấy được ánh sáng.
- Chuột quang học được trang bị trên các máy vi tính hiện nay.
Chuột Laser (Laser mouse)
- Chuột Laser cũng giống như chuột quang nhưng sử dụng ánh sáng Laser không nhìn thấy bằng mắt thường được.
Kiểu dáng và kích thước của chuột vi tính
- Chuột có rất nhiều loại và kiểu dáng khác nhau, có loại nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay và cũng có loại lớn hơn với các kiểu hình dáng đặc biệt giúp thoải mái khi sử dụng.
Các chức năng của chuột vi tính
- Chuột vi tính thông thường có các nút chính là nút chuột trái (Left Button) và nút chuột phải (Right Button), một nút ở giữa được thiết kế với 2 tính năng cuộn (Scroll) và nhấn.
- Một số chuột vi tính còn có thêm các nút được bố trí xung quanh để hỗ trợ cho các phần mềm chuyên nghiệp, trò chơi...
Độ phân giải của chuột vi tính
- Độ phân giải (Resolution) là độ nhạy của chuột vi tính được đo bằng đơn vị DPI (Dot Per Inche). Thông số này thường chỉ có đối với chuột quang, chuột Laser.
- Độ phân giải càng cao chuột càng nhạy, có nghĩa là con trỏ chuột trên màn hình sẽ di chuyển nhanh hơn khi bạn di chuyển chuột bình thường.
- Độ phân giải của chuột quang trung bình khoảng 800 DPI, của chuột Laser cao hơn chuột quang.
- Tuy nhiên không phải lúc nào độ phân giải cao, chuột chạy quá nhanh cũng tốt nên một số chuột có thêm một nút nhấn để cho phép người sử dụng thay đổi độ phân giải của chuột khi cần thiết.
Độ nhạy của chuột vi tính có thể thay đổi được thông qua chuacw năng cài đặt của Hệ điều hành hoặc các chương trình ứng dụng.
Các kiểu kết nối của chuột vi tính
- Chuột thông thường được kết nối với máy vi tính bằng dây dẫn có đầu cắm chuẩn giao tiếp PS/2 dành cho máy vi tính đời cũ, còn hầu hết các loại chuột hiện nay đều sử dụng chuẩn giao tiếp USB.
- Một số chuột sử dụng công nghệ kết nối không dây (Wireless), loại chuột này có một bộ phận cắm vào cổng USB của máy vi tính để thu tín hiệu hồng ngoại hoặc sóng vô tuyến phát ra từ chuột.
Chế độ bảo hành của chuột vi tính
- Chuột vi tính thường được bảo hành từ 12 tháng đến 24 tháng tùy theo nhà sản xuất.
Tem bảo hành của chuột thường rất dễ bị hỏng nên trước khi sử dụng cần dùng băng keo trong dán lên để bảo vệ.
Lựa chọn chuột cho máy vi tính
- Dựa vào các thông số bên trên bạn có thể lựa chọn chuột vi tính phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
- Nên chọn loại chuột có kích thước vừa tay cầm, di chuyển thoải mái, nhẹ nhàng và các nút nhấn êm.
- Bạn cần lưu ý các loại chuột quang đời cũ không thể sử dụng trên các bề mặt bóng láng, chỉ sử dụng tốt trên các bề mặt mờ hoặc trên miếng lót chuột (Mouse Pad). Chuột quang đời mới và chuột Laser có thể sử dụng trên tất cả các bề mặt.
- Nếu sử dụng máy vi tính trong các công việc chuyên dụng thì nên dùng chuột có chất lượng cao và có các nút chức năng khác để hỗ trợ cho công việc.
- Nếu chọn chuột không dây thì bạn nên xem kỹ các thông số như: Sử dụng loại Pin gì và bao nhiêu viên Pin, thời gian sử dụng Pin khoảng bao lâu và khoảng cách giữa chuột và bộ phận thu tín hiệu tối đa là bao xa... Tuy nhiên loại chuột không dây thường sẽ không "nhạy" bằng chuột có dây, không thích hợp với những người chơi Game. Ngoài ra các loại chuột rẻ tiền thường rất mau hết Pin.
- Nên chọn bàn phím và chuột có cùng "tông" màu với thùng máy (Case), màn hình (Monitor) thì sẽ nhìn bắt mắt hơn.
Bộ bàn phím và chuột không dây
- Hiện nay các nhà sản xuất đã đưa ra thị trường các loại bàn phím và chuột không dây theo bộ (Combo) sử dụng chung một đầu thu tín hiệu.