Bàn phím và chuột là hai thiết bị không thể thiếu của máy vi tính. Bàn phím sẽ giúp bạn nhập dữ liệu vào cho máy vi tính xử lý. Trong khi chuột sẽ giúp bạn thao tác nhanh trong các ứng dụng có giao diện đồ họa. Đối với những người sử dụng thông thường thì việc lựa chọn bàn phím và chuột thường tùy theo cảm tính khi nhìn hình dáng bên ngoài của chúng. Tuy nhiên những gợi ý sau đây sẽ giúp bạn lựa chọn bàn phím và chuột phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
Bàn phím vi tính (Keyboard)
Các loại bàn phím vi tính
Bàn phím vi tính có nhiều loại tùy theo cấu tạo của các phím nhấn. Tuy nhiên, bàn phím vi tính thông dụng hiện nay có 3 loại là bàn phím mềm (Dome Switch Keyboard), bàn phím cơ (Mechanical Keyboard), bàn phím giả cơ (Topre Keyboard),...
Bàn phím mềm (Dome Switch Keyboard)
- Bàn phím mềm hay còn gọi là bàn phím thường, sử dụng các tấm màng mỏng có tráng lớp dẫn điện để tạo thành ma trận công tắc tiếp xúc tương ứng với các ký tự trên bàn phím và sử dụng một miếng (hoặc các nút) bằng nhựa dẻo hay Silicon để làm phím nhấn.
- Loại bàn phím này có cấu tạo đơn giản, mỏng nhẹ, khi sử dụng phát ra tiếng kêu nhỏ. Độ bền của loại bàn phím này không cao, tuổi thọ của các phím nằm trong khoảng 5 triệu lần nhấn.
- Đây là loại bàn phím thông dụng và rẻ tiền được trang bị trên đa số các máy vi tính thông thường.
Bàn phím cơ (Mechanical Keyboard)
- Bàn phím cơ là bàn phím sử dụng các các nút nhấn riêng biệt để tạo thành ma trận tương ứng với các ký tự trên bàn phím.
- Loại bàn phím này dày và nặng, khi sử dụng phát ra tiếng kêu to. Tùy thuộc vào cấu tạo của các nút giúp cho bàn phím cơ có độ nảy, làm cho chúng trở nên hấp dẫn đối với người chơi game và những người đánh máy nặng.
- Loại bàn phím này có độ bền cao và giá thành cũng cao nhất trong 3 loại, tuổi thọ của các phím nằm trong khoảng từ 30 đến 70 triệu lần nhấn.
Bàn phím giả cơ (Topre Keyboard)
- Bàn phím giả cơ là sự kết hợp giữa bàn phím mềm và bàn phím cơ, nó cũng sử dụng các tấm màng mỏng có tráng lớp dẫn điện để tạo thành ma trận công tắc tiếp xúc như bàn phím mềm nhưng sử dụng các phím cơ học để làm phím nhấn.
- Loại bàn phím này khi sử dụng cũng phát ra tiếng kêu giống như bàn phím cơ nhưng nhỏ hơn.
- Bàn phím giả cơ rẻ tiền hơn bàn phím cơ.
Kiểu dáng của bàn phím vi tính
- Bàn phím vi tính có rất nhiều kiểu dáng với màu sắc khác nhau, loại thông thường (Standard), loại nhỏ gọn (Laptop-size), loại lớn (Multimedia), bàn phím dẻo,...
- Kích thước của bàn phím lớn hay nhỏ sẽ tùy thuộc vào số lượng phím và cách bố trí các phím này trên bàn phím.
- Một số bàn phím vi tính có thêm các bộ phận giúp nâng đỡ tay của người sử dụng.
Các tính năng của bàn phím vi tính
- Bàn phím thông thường sẽ có 3 khu vực chính. Khu vực có các phím chữ và số để nhập dữ liệu nằm bên trái, khu vực có các phím mũi tên điều khiển nằm ở giữa và khu vực có các phím hỗ trợ tính toán nằm bên phải của bàn phím.
- Một số bàn phím có thêm các phím hỗ trợ điều khiển các chương trình giải trí như xem video, nghe nhạc và truy cập Internet... gọi là bàn phím Multimedia.
- Ngoài ra cũng có một số bàn phím được tích hợp thêm các cổng kết nối dữ liệu USB và âm thanh,...
- Một số bàn phím được trang bị thêm đèn Led phát sáng (gọi là Led Keyboard) với 2 loại, loại sáng nền của bàn phím và loại sáng chữ trên các phím. Người sử dụng cũng có thể thay đổi màu của các đèn này.
Các kiểu kết nối của bàn phím vi tính
- Bàn phím thông thường được kết nối với máy vi tính bằng dây dẫn có đầu cắm chuẩn giao tiếp PS/2 dành cho máy vi tính đời cũ, còn hầu hết các bàn phím hiện nay đều sử dụng chuẩn giao tiếp USB.
- Một số bàn phím sử dụng công nghệ kết nối không dây (Wireless), bàn phím loại này có một bộ phận cắm vào cổng USB của máy vi tính để thu tín hiệu hồng ngoại hoặc sóng vô tuyến phát ra từ bàn phím.
Chế độ bảo hành của bàn phím vi tính
- Bàn phím vi tính thường được bảo hành từ 12 tháng đến 24 tháng tùy theo nhà sản xuất.
Tem bảo hành của bàn phím thường rất dễ bị hỏng nên trước khi sử dụng cần dùng băng keo trong dán lên để bảo vệ.
Lựa chọn bàn phím cho máy vi tính
- Dựa vào các thông số bên trên bạn có thể lựa chọn bàn phím phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
- Bạn hãy kiểm tra bản mạch chính (Mainboard) để biết cổng giao tiếp dành cho bàn phím là chuẩn gì.
- Nếu sử dụng máy vi tính cho công việc thì bạn hãy chọn bàn phím lớn để giúp cho bạn dễ dàng sử dụng.
- Nếu sử dụng máy vi tính để giải trí thì bạn hãy chọn bàn phím có thêm các phím hỗ trợ Multimedia.
- Nếu không gian làm việc chật hẹp bạn hãy chọn bàn phím loại nhỏ (Laptop-size), nhưng hãy lưu ý là các bàn phím nhỏ sẽ có một số phím sử dụng chung và vị trí của các phím cũng khác nhau, bạn cần phải mất thêm thời gian làm quen với chúng. Tuy nhiên nếu bạn đã quen với bàn phím của máy vi tính xách tay thì cũng không khó khăn gì.
- Bàn phím cơ tuy phát ra âm thanh lớn nhưng rất thích hợp với các Game thủ vì nó có độ nhạy cao và rất bền.
- Nếu bạn thường hay sử dụng máy vi tính ban đêm thì nên chọn bàn phím có đèn Led phát sáng, tuy nhiên hãy lưu ý chọn loại bàn phím chỉ sáng các chữ trên phím thay vì sagn luôn cả nền sẽ gây chói mắt.
- Nếu chọn bàn phím không dây thì bạn nên xem kỹ các thông số như: Sử dụng loại Pin gì và bao nhiêu viên Pin, thời gian sử dụng Pin khoảng bao lâu và khoảng cách giữa bàn phím và bộ phận thu tín hiệu tối đa là bao xa... Tuy nhiên loại bàn phím không dây thường sẽ không "nhạy" bằng bàn phím có dây, không thích hợp với những người đánh máy nhanh hoặc chơi Game. Ngoài ra các bàn phím rẻ tiền thường rất mau hết Pin.
Bộ bàn phím và chuột không dây
- Hiện nay các nhà sản xuất đã đưa ra thị trường các loại bàn phím và chuột không dây theo bộ (Combo) sử dụng chung một đầu thu tín hiệu.
Lựa chọn chuột cho máy vi tính
Xem hướng dẫn cách lựa chọn chuột cho máy vi tính