Bộ nhớ của máy vi tính là bộ phận lưu dữ liệu tạm thời trong quá trình xử lý của CPU, tên tiếng Anh là Random Access Memory, thường được viết tắt là RAM. Tốc độ truy xuất dữ liệu của RAM nhanh hơn ổ dĩa nên sẽ giúp tăng tốc độ xử lý rất nhiều. Do đó RAM có dung lượng càng lớn sẽ giúp tăng thêm khả năng xử lý và các chương trình của máy vi tính sẽ chạy nhanh và ổn định hơn.
Trước tiên, bạn hãy lưu ý là bộ nhớ (RAM) của máy vi tính xách tay và RAM của máy vi tính để bàn khác nhau và không thể hoán đổi cho nhau. Đây là bước đầu tiên trong việc chọn đúng RAM cho máy vi tính của bạn.
Các thông số cần biết của bộ nhớ máy vi tính
Bỏ qua các loại RAM ít thông dụng và RAM cũ hiện đã không còn sử dụng nữa. Chúng ta sẽ bắt đầu từ bộ nhớ SDRAM (Synchronous Dynamic Random Access Memory), gọi là RAM đồng bộ. Thế hệ đầu tiên của SDRAM là SDR (Single Data Rate) có tốc độ đơn, được sử dụng trong các máy vi tính đời cũ, nay đã lỗi thời. Tiếp theo là DDR (Double Data Rate), có tốc độ nhanh gấp đôi SDR nhờ vào công nghệ truyền tải dữ liệu kép (đôi) trong một chu kỳ bộ nhớ. DDR chính là nền tảng cho các loại RAM sau này.
Phân loại bộ nhớ DDR SDRAM
DDR1 SDRAM (Double Data Rate SDRAM) hay còn gọi là DDR, có 184 chân, ra đời vào năm 2000. DDR1 có tốc độ gấp đôi SDR. Tên loại RAM là DDR-xxx và ký hiệu là PC-####
DDR2 SDRAM (Double Data Rate 2 SDRAM) có 240 chân, ra đời vào năm 2003. DDR2 có tốc độ gấp đôi DDR1 (gấp 4 lần SDR). Tên loại RAM là DDR2-xxx và ký hiệu là PC2-####
DDR3 SDRAM (Double Data Rate 3 SDRAM) có 240 chân, ra đời vào năm 2007. DDR3 có tốc độ gấp đôi DDR2 (gấp 8 lần SDR). Tên loại RAM là DDR3-xxx và ký hiệu là PC3-####
DDR4 SDRAM (Double Data Rate 4 SDRAM) có 288 chân, ra đời vào năm 2014. DDR4 có tốc độ cao hơn DDR3. Tên loại RAM là DDR4-xxx và ký hiệu là PC4-####
xxx là tần số hoạt động của RAM (DDRAM Frequency). Đơn vị tính là MHz (MegaHertz). Thông số này đã được nhân đôi vì là RAM DDR (Double Data Rate)
#### là số byte dữ liệu tối đa mà RAM có thể truyền trong một thời gian (Peak Transfer Rate). Đơn vị tính là MB/s (MegaByte per second). Thông số này càng lớn RAM có tốc độ càng cao, tuy nhiên thực tế sẽ không thể đạt tới tốc độ truyền tải tối đa.
Mỗi loại RAM có chuẩn chân cắm khác nhau và chỉ phù hợp với các khe cắm cùng loại trên Mainboard, không thể sử dụng lẫn nhau.
Tốc độ của RAM
- Tốc độ của bộ nhớ có thể được hiểu là tốc độ trao đổi dữ liệu giữa CPU và RAM. Tên loại RAM DDR-xxx và ký hiệu PC-#### ghi trên RAM sẽ cho biết nó có tốc độ bao nhiêu, thông số càng lớn RAM có tốc độ càng cao.
- Tốc độ của RAM càng nhanh thì hiệu suất của máy vi tính càng cao. Tuy nhiên tốc độ của RAM phải tương thích với CPU và được Mainboard hỗ trợ.
Dung lượng của RAM
- RAM được sản xuất theo dạng thanh, mỗi thanh có nhiều Chip nhớ. Dung lượng của RAM là khả năng lưu trữ dữ liệu của mỗi thanh RAM, được tính bằng MB (MegaByte), các thanh RAM hiện nay đều có dung lượng tính bằng GB (GigaByte), 1024MB = 1GB.
- Máy vi tính có thể có nhiều thanh RAM và dung lượng bộ nhớ của máy vi tính bằng tổng dung lượng của các thanh RAM.
Tính tự năng sửa lỗi của RAM
- Tính năng tự phát hiện và sửa lỗi ECC (Error-correcting code) của RAM chủ yếu được sử dụng cho các máy chủ và các ứng dụng quan trọng khác yêu cầu bảo mật và ổn định cao như các máy tính về nghiên cứu khoa học, tài chính,...
- Các máy vi tính thông thường sử dụng bộ nhớ không có tính năng tự sửa lỗi None-ECC (None Error-correcting code).
Chế độ bảo hành
- Thời hạn bảo hành của RAM thông thường là 36 tháng (3 năm). Một số RAM có thời hạn bảo hành vĩnh viễn (Lifetime warranty), bạn hãy tìm mua tại các cửa hàng có đầy đủ thời hạn bảo hành từ chính hãng.
- RAM được chấp nhận bảo hành khi bị hư, lỗi làm cho hệ thống hoạt động không ổn định... nhưng phải trong tình trạng không có dấu hiệu bị cháy nổ chip (IC), rơi vở,... và tem bảo hành còn thời hạn, không bị rách. Một số nơi chấp nhận bảo hành khi bị cháy, nổ chip...
Thông số của các loại DDR SDRAM
Loại RAM | Tần số hoạt động (DRAM Frequency) (MHz) | Tốc độ dữ liệu (Data Rate) (MT/s) | Ký hiệu | Tốc độ truyền dữ liệu tối đa (Peak Transfer Rate) (MB/s) |
DDR-200 | 100 | 200 | PC-1600 | 1600 |
DDR-266 | 133 | 266 | PC-2100 | 2100 |
DDR-333 | 166 | 333 | PC-2700 | 2700 |
DDR-400 | 200 | 400 | PC-3200 | 3200 |
DDR2-400 | 200 | 400 | PC2-3200 | 3200 |
DDR2-533 | 266 | 533 | PC2-4200 | 4200 |
DDR2-667 | 333 | 667 | PC2-5300 | 5300 |
DDR2-800 | 400 | 800 | PC2-6400 | 6400 |
DDR2-1066 | 533 | 1066 | PC2-8500 | 8500 |
DDR3-800 | 400 | 800 | PC3-6400 | 6400 |
DDR3-1066 | 533 | 1066 | PC3-8500 | 8500 |
DDR3-1333 | 667 | 1333 | PC3-10600 | 10600 |
DDR3-1600 | 800 | 1600 | PC3-12800 | 12800 |
DDR3-1866 | 933 | 1860 | PC3-14900 | 14900 |
DDR3-2133 | 1066 | 2133 | PC3-17000 | 17000 |
DDR4-1600 | 800 | 1600 | PC4-12800 | 12800 |
DDR4-1866 | 933 | 1866 | PC4-14900 | 14900 |
DDR4-2133 | 1066 | 2133 | PC4-17000 | 17000 |
DDR4-2400 | 1200 | 2400 | PC4-19200 | 19200 |
DDR4-2666 | 1333 | 2666 | PC4-21333 | 21333 |
DDR4-2933 | 1466 | 2933 | PC4-23466 | 23466 |
DDR4-3200 | 1600 | 3200 | PC4-25600 | 25600 |
Các thông số trong bảng đã được làm tròn.
Cách lựa chọn RAM cho máy vi tính
Cách đọc ký hiệu RAM
- Bộ nhớ trên có dung lượng là 1GB, loại RAM DDR2, tần số hoạt động là 800MHz (Tần số hoạt động thật sự chỉ là 400MHz)
- Ký hiệu là PC2, tốc độ truyền dữ liệu tối đa 6400MB/s, có 240 chân cắm.
- Đây là loại RAM không có tính năng sửa lỗi (Non-ECC).
- Bộ nhớ trên có dung lượng là 8GB, là loại RAM có tính năng sửa lỗi (ECC)
- Ký hiệu là PC4, tốc độ truyền dữ liệu tối đa 17000MB/s
- Đây là loại RAM DDR4, tần số hoạt động là 1066MHz
Tần số hoạt động (DRAM Frequency) thật sự chỉ bằng 1/2 thông số ghi trên RAM vì đây là RAM DDR (Double Data Rate) truyền tải dữ liệu kép (đôi) trong một chu kỳ bộ nhớ. Khi bạn sử dụng các chương trình xem thông tin RAM thì sẽ thấy rõ thông số này.
Lựa chọn dung lượng RAM phù hợp với hệ điều hành
- Windows XP chỉ yêu cầu khoảng 128MB RAM (1024MB = 1GB).
- Windows 7, 8, 10 yêu cầu tối thiểu 1GB RAM (bản 32-bit) hoặc 2GB RAM (cho bản 64-bit).
Lựa chọn dung lượng RAM phù hợp với chương trình ứng dụng
- Các chương trình ứng dụng văn phòng thông thường như MS Office hoặc truy cập Internet cũng không đòi hỏi RAM nhiều hơn so với yêu cầu của hệ diều hành.
- Các ứng dụng xử lý ảnh thông dụng Photoshop CC và biên tập phim Premiere Pro CC yêu cầu máy vi tính phải có tối thiểu là 2GB RAM tuy nhiên để các chương trình này hoạt động tốt thì nên có 8GB RAM hoặc nhiều hơn.
Lựa chọn dung lượng RAM phù hợp với các trò chơi
- Các trò chơi thông thường sẽ công bố yêu cầu hệ thống cần thiết để chơi trò chơi này, bạn hãy chú ý các thông số này để lựa chọn dung lượng RAM cho thích hợp.
Lựa chọn RAM đồng bộ với các linh kiện thiết bị khác của máy vi tính
- Sau khi tính được dung lượng RAM cần thiết cho máy vi tính của bạn, tiếp theo bạn cần phải kiểm tra tốc độ Bus của CPU là bao nhiêu để lựa chọn RAM có tốc độ phù hợp.
- Bạn cũng cần phải xem thông số RAM của Mainboard để biết sử dụng được loại RAM nào, tốc độ tối đa là bao nhiêu, gắn được bao nhiêu thanh RAM, dung lượng tổng cộng tối đa cho phép là bao nhiêu,..
- Nếu Mainboard có hỗ trợ công nghệ Kênh đôi (Dual channel), kênh 3 (Triple Chanel) hoặc kênh 4 (Quad-channel) thì việc sử dụng đúng số lượng thanh RAM sẽ đạt được công nghệ phân luồng cho tốc độ xử lý cao hơn so với việc sử dụng một thanh RAM có dung lượng bằng các thanh kia.
- Nếu bạn có ý định sử dụng RAM có tính năng tự sửa lỗi (ECC) thì hãy kiểm tra để chắc là Mainboard và CPU cũng phải hỗ trợ tính năng này.
Xem hướng dẫn cách lựa chọn Mainboard cho máy vi tính
Bạn có thể sử dụng RAM có tốc độ cao hơn tốc độ Bus của CPU và Mainboard, tuy nhiên hệ thống sẽ chỉ hoạt động ở mức tốc độ thấp nhất. Lựa chọn RAM có tốc độ cao hơn mức cần thiết sẽ không giúp cho máy vi tính chạy nhanh hơn mà chỉ gây lãng phí ngân sách của bạn.
- Lựa chọn nhà sản xuất có uy tín cũng khá cần thiết tuy nhiên giá thành sẽ chênh lệch đáng kể và việc này đòi hỏi phải trải qua kinh nghiệm sử dụng hoặc tham khảo ý kiến tư vấn của giới chuyên môn.
- Chọn RAM có gắn tản nhiệt hay không có tản nhiệt? Câu trả lời là bạn không cần lo lắng quá, nhà sản xuất đã tính toán tới việc này rồi.
Lựa chọn RAM phù hợp với chi phí
- Nếu chi phí ít, bạn hãy lựa chọn dung lượng RAM đáp ứng được mức yêu cầu tối thiểu (Minimum requirements) của các chương trình ứng dụng, trò chơi,...
- Nếu chi phí không thành vấn đề thì bạn hãy lựa chọn dung lượng RAM đáp ứng được yêu cầu đề nghị (Recommended requirements) hoặc tối đa (Maximum requirements) của các chương trình ứng dụng, trò chơi.
Dung lượng của RAM khác với tốc độ của RAM. RAM có dung lượng càng lớn sẽ giúp tăng thêm khả năng xử lý và các chương trình của máy vi tính sẽ chạy nhanh và ổn định hơn.