Vào mùa nóng ai cũng nghĩ tới máy lạnh nhưng khổ nỗi mua máy lạnh mới thì đắt quá nên đành phải chọn mua máy lạnh cũ và phó mặc cho hên xui. Bạn đừng lo hãy lưu ý những điều dưới đây khi mua máy lạnh cũ để giúp tránh được nhũng rủi ro.

Những điều cần lưu ý khi mua máy lạnh cũ

1

Cân nhắc xem có nên mua máy lạnh cũ hay không?

Câu trả lời là KHÔNG... nếu bạn có nhu cầu sử dụng máy lạnh nhiều và có đủ tiền để mua máy mới. Máy lạnh mới sẽ hoạt động liên tục trong thời gian dài tốt hơn và bạn có thể yên tâm sử dụng vì được bảo hành dài hạn.

Xem hướng dẫn cách chọn mua máy điều hòa

Câu trả lời sẽ là ... nếu bạn chỉ có nhu cầu sử dụng máy lạnh ít hoặc không đủ tiền để mua máy lạnh mới. Tùy theo mức độ, khả năng hoạt động của máy lạnh cũ sẽ giảm đi ít nhiều, cho nên nó chỉ phù hợp khi bạn ít sử dụng.

Nếu bạn đã quyết định mua máy lạnh cũ thì hãy xem tiếp những lời khuyên của chúng tôi dưới đây, nó sẽ giúp ích cho bạn đấy.

2

Cần biết rõ nguồn gốc và phân loại máy lạnh cũ

Trước hết bạn cần biết rõ nguồn gốc của máy lạnh cũ đã qua sử dụng đó là các máy lạnh sản xuất cho thị trường Việt Nam sử dụng được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau và máy lạnh hàng nội địa nhập khẩu từ các nước khác. Các máy lạnh cũ sẽ được phân loại theo tình trạng để bán cho khách hàng.

Máy lạnh sản xuất cho thị trường Việt Nam sử dụng sẽ in xuất xứ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh trên nhãn thông số máy, trong khi máy nội địa nhập khẩu sẽ in bằng tiếng của nước sản xuất.

Máy lạnh cũ nhưng còn bảo hành chính hãng – Loại máy này rất hiếm, khi mua các loại máy này bạn sẽ yên tâm sử dụng vì nếu còn trong thời hạn bảo hành thì máy cũng sẽ còn rất mới.

Máy lạnh cũ đã hết bảo hành – Đây là loại máy lạnh cũ được bán nhiều nhất. Khi mua các loại máy này bạn cũng sẽ được nơi bán bảo hành tuy nhiên chi phí bảo hành thường đã được tính vào giá bán.

Còn lại là các máy lạnh cũ bị hư hỏng được sửa lại để bán, thậm chí có máy được chấp nối từ các loại khác nhau. Loại này có chất lượng rất kém, tuy cũng được nơi bán bảo hành nhưng với thời hạn rất ngắn.

3

Hiểu các tiêu chuẩn lắp đặt và sử dụng máy lạnh cũ

Máy lạnh nội địa nhập khẩu và máy lạnh sản xuất trong nước sử dụng nguồn điện khác nhau

Các loại máy lạnh sản xuất cho thị trường Việt Nam đều được thiết kế để thích hợp với các tiêu chuẩn sử dụng ở Việt Nam. Một trong các tiêu chuẩn đó là nguồn điện 220V. Khi mua các máy lạnh loại này bạn không phải lo lắng về việc lắp đặt và sử dụng nó.

Loại máy lạnh cũ được nhập khẩu từ các nước khác, chủ yếu là hàng nội địa được sản xuất để sử dụng trong nước nên phải đáp ứng theo tiêu chuẩn nội địa. Khi nhập về sử dụng tại Việt Nam thì có thể sẽ có một số tiêu chuẩn không phù hợp với điều kiện sử dụng. Đáng lo ngại nhất là việc sử dụng nguồn điện khác nhau, các máy lạnh nội địa thường sử dụng nguồn điện 100v – 120V. Do đó khi lắp các máy lạnh này cần phải lắp thêm thiết bị đổi điện 110v – 220v và bạn phải chuẩn bị chỗ cho nó.

Thông thường một bộ máy lạnh sẽ gồm có dàn lạnh, dàn nóng, ống đồng, ống bảo ôn - cách nhiệt và dây điện nối giữa dàn lạnh và dàn nóng, ống thoát nước, cầu dao ngắt điện và bộ điều khiển từ xa.

4

Nắm rõ thương hiệu và đời của máy lạnh cũ

Các máy lạnh cũ có thương hiệu nổi tiếng sẽ có chất lượng tốt hơn. Bạn sẽ dễ dàng biết được các các thương hiệu nổi tiếng khi tham khảo tại các cửa hàng kim khí điện máy.

Ngoài ra đời máy – Model sẽ cho bạn biết các tính năng nổi bật của máy lạnh.

5

Biết tuổi thọ của máy lạnh là bao lâu

Máy lạnh cũng giống như các thiết bị điện máy khác, khi bạn sử dụng càng lâu thì các những chi tiết cơ khí bên trong sẽ càng bị mòn, các linh kiện điện tử cũng sẽ bị lão hóa. Điều này đồng nghĩa là máy lạnh cũ có thể hoạt động ồn hơn, khả năng tạo hơi lạnh của máy cũng giảm dần, điện năng tiêu thụ cũng lớn hơn máy mới ít nhiều.

Thông thường, một máy lạnh sẽ có tuổi thọ trong khoảng từ 10 – 15 năm đối với các máy có chất lượng tốt và chỉ từ 6 - 7 năm đối với các chất lượng thấp hơn. Ngoài ra, tuổi thọ của máy lạnh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thương hiệu, tần suất sử dụng, cách sử dụng cũng như việc bảo dưỡng, vệ sinh máy có đúng hay không.

6

Xem máy lạnh cũ được sản xuất năm nào

Các máy lạnh đều ghi năm sản xuất trên nhãn thông số của máy. Bạn đã biết tuổi thọ trung bình của máy lạnh nên hãy chọn máy có năm sử dụng càng gần càng tốt.

Trong trường hợp bạn không nhìn thấy năm sản xuất hoặc nghi ngờ nó không đúng thì có thể xem đời máy rồi tìm thông tin của nó trên Internet.

7

Loại khí Gas nào sử dụng cho máy lạnh

Loại khí Gas sử dụng cho máy lạnh

Gas R22 được dùng trong các máy lạnh đời cũ. Gas R410A được dùng trong các máy lạnh đời mới hơn và có giá thành cao hơn loại dùng Gas R22, chi phí nạp gas cũng mắc hơn. Gas R32 được dùng trong các máy lạnh đời mới nhất hiện nay, với hiệu suất làm lạnh lớn hơn hẳn loại gas R410A, R22 nên máy lạnh sử dụng gas R32 sẽ tiết kiệm năng lượng vượt trội do có thời gian làm lạnh nhanh và mạnh hơn.

8

Giá bán máy lạnh cũ là bao nhiêu

Giá bán của máy lạnh cũ sẽ được phân loại tùy theo nhãn hiệu, đời máy, năm sản xuất cũng như tình trạng của máy để bán cho khách hàng. Các máy đời mới hoặc có thương hiệu nổi tiếng sẽ mắc hơn các máy đời cũ.

Giá bán của máy lạnh thường sẽ bao gồm công lắp đặt và 3 mét ống đồng, ống bảo ôn - cách nhiệt và dây điện nối giữa dàn lạnh và dàn nóng, ống thoát nước, Gas, cầu dao ngắt điện.

Các chi phí ống đồng, ống bảo ôn - cách nhiệt, dây điện và ống thoát nước sẽ phát sinh nếu nhiều hơn 3 mét.

9

Chọn mua máy lạnh cũ ở đâu

Bạn hãy tìm mua máy lạnh cũ ở những cửa hàng bán máy có địa chỉ và thông tin rõ ràng, có bảo hành đầy đủ và cho đổi trả nếu không vừa ý.

Đừng vội tin vào những thông tin quảng cáo trên Internet, Bạn hãy đến tận cửa hàng để tận mắt nhìn thấy và lựa chọn máy lạnh cũ nào mà bạn vừa ý, không nên để họ tự đem máy tới cho bạn.

Bạn nên ưu tiên mua các máy lạnh cũ tại cửa hàng ở gần nhà để thuận tiện bảo hành và sửa chữa sau này.

Có những cửa hàng không có sẵn máy lạnh cũ, chỉ khi nào có người mua thì họ mới lấy từ kho về làm vệ sinh rồi đem đi lắp ráp. Khi mua các máy này bạn không có nhiều lựa chọn và hầu như không thể đổi trả.

Xem hướng dẫn cách kiểm tra khi mua và lắp ráp máy lạnh