Thanh Minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Tiết Thanh Minh được tính theo quy luật vận hành của mặt trời - Dương lịch, chứ không phải theo quy luật vận hành của mặt trăng - Âm lịch như mọi người từng nghĩ. Do đó, tiết Thanh Minh thường bắt đầu từ mồng 4 hoặc mồng 5 tháng 4 dương lịch.
Tiết Thanh Minh
Tiết Thanh Minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Nó là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.
Vì lịch của người Trung Quốc, cũng như Việt Nam cổ đại, bị nhiều người lầm tưởng là Âm lịch thuần túy nên rất nhiều người cho rằng nó được tính theo chu kỳ của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất. Trên thực tế lịch Trung Quốc cổ đại là một loại Âm Dương lịch nên nếu giải thích theo thuật ngữ của lịch hiện đại ngày nay - Lịch Gregory thì nó được tính theo vị trí của Trái Đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt Trời. Nếu tính điểm xuân phân là gốc - kinh độ Mặt Trời bằng 0° thì điểm diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh Minh là kinh độ Mặt Trời bằng 15°. Do vậy, tiết Thanh Minh thực tế được tính theo cách tính của dương lịch hiện đại và nó thông thường bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch tùy theo từng năm.
Theo quy ước, tiết Thanh Minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết Xuân Phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết Cốc Vũ bắt đầu.
Tết Thanh Minh
Từ thời nhà Thanh, sau khi sửa đổi lịch thì Tết Thanh Minh diễn ra vào ngày tiết Thanh Minh. Tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao thì Tết này là một ngày quốc lễ. Còn ở các khu vực khác ở Đông Á thì không. Nói đến Tết Thanh Minh thì bao giờ người ta cũng nghĩ đến lễ Tảo Mộ và hội Đạp Thanh. Tại Việt Nam các tỉnh Bắc bộ và cộng đồng người gốc Hoa thì ăn Tết này theo ngày tiết Thanh Minh như Trung Quốc, từ các tỉnh Thanh Hóa trở vào Trung bộ vẫn ăn Tết Thanh Minh theo truyền thống vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Người Tày - Nùng ở vùng đông bắc Bắc Bộ ăn Tết Thanh Minh vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm - khoảng đầu tháng 4 dương lịch. Tại miền Nam, các tỉnh tận cùng đất nước như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang,... có đông người Hoa sinh sống nên cũng có tập tục ăn Tết Thanh Minh vào dịp này. Thường thì họ sẽ lấy ngày 4 tháng 4 Dương lịch là ngày chính để cúng Thanh Minh, còn việc cúng vào ngày nào là tùy thuộc mỗi gia đình.
Ý nghĩa ngày Tết Thanh Minh
Thanh Minh tuy không phải là một trong những ngày lễ Tết lớn trong năm nhưng lại mang nét văn hóa gắn liền với đạo đức của người Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều nhà văn hóa cho rằng, Tết Thanh Minh chính là ngày lễ mà ở đó bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước được thể hiện rõ nét. Chính vì vậy, trong ngày lễ này, các hoạt động báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên được tổ chức rất long trọng.
Ngày lễ Thanh Minh nhắc nhở con người ta sống hướng về cội nguồn, biết ơn những người đi trước. Chính sự tốt đẹp trong ý nghĩa này khiến cho ngày thanh minh được rất nhiều người coi trọng, tìm hiểu và duy trì thực hiện.
Lễ Tảo Mộ
Nhân ngày Thanh Minh, người dân các nước có nền văn hóa tương đồng và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh Minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
Trong ngày Thanh Minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.
Hội đạp thanh
Trước đây, nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du Xuân nên mới có tên gọi hội Đạp Thanh - tức là giẫm lên cỏ. Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này có lẽ không còn, nhưng ở Trung Quốc thì một vài nơi vẫn còn duy trì được.