Ngày 23 tháng Chạp là ngày người Việt Nam cúng ông Công ông Táo - Táo quân. Theo quan điểm của người Việt Nam thì ông Công ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ.
Lễ cúng tiễn đưa ông Công ông Táo về Trời ngày 23 tháng Chạp
Về giờ cúng tiễn đưa ông Công ông Táo về Trời thì có nơi cúng vào buổi trưa trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm bởi quan niệm sau giờ đó thì ông Công ông Táo phải bay về trời, không còn ở dương gian. Trong khi một số nơi khác sẽ cúng ông Công ông Táo về buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20 giờ đến 23 giờ. Người ta quan niệm rằng vào thời điểm cuối ngày, sau khi cả gia đình đã ăn cơm xong, không còn nấu nướng và dùng đến bếp nữa thì mới được tiễn ông Táo lên đường gặp Ngọc Hoàng.
Mâm cúng ông Công ông Táo thì tùy theo phong tục của mỗi địa phương, lễ cúng ở miền Bắc thường gồm có gạo, muối, thịt vai lợn luộc, bát canh mọc, món xào thập cẩm, giò, xôi gấc, chè kho, hoa quả, ấm trà sen, 3 chén rượu, bưởi, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa cúc, tiền vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.
Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.
Lễ cúng ông Táo ở miền Nam thường gồm có gạo, muối, nhang, đèn, hoa quả, xôi chè, thèo lèo cứt chuột và một bộ vàng mã cò bay ngựa chạy,...
Thèo lèo là kẹo đậu phộng còn cứt chuột là kẹo vừng - mè đen. Cò bay, ngựa chạy là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy.
Lễ cúng ông Táo của người dân miền Tây Nam Bộ nói chung thường là chè sôi nước hay còn gọi là chè trôi nước. Người dân cho rằng, món chè này có nét đặc trưng dễ ăn no, viên lại chè trơn tru, có nhiều nước. Khi ăn món này, ông Táo trước khi về trời được no bụng, điều kiện về trời cũng xuôi chèo mát máy. Và đây cũng là một loại đồ cúng dễ làm.
Lễ cúng rước ông Táo về nhà đêm giao thừa
Lễ cúng đưa ông Táo về trời đã được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp thì vào đêm giao thừa, các gia đình sẽ phải cúng để rước ông Táo về nhà. Thời gian cúng từ 23 giờ đến 23 giờ 45 phút ngày 30 Tết, lễ vật chuẩn bị giống như tiễn ông Táo về trời.
Xem thêm Các phong tục trong ngày Tết Nguyên Đán
Thờ cúng ông Táo là phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, không phải là nghi lễ của Phật giáo. Đạo Phật không chủ trương thờ thần, những thành tựu trong đời sống đều do phước đức của tự thân đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại mà có được, chứ không phải nhờ thần linh phù hộ.