Ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài theo phong tục từ xưa của người Việt Nam. Vào ngày này nhiều người thường mua đồ lễ cúng trước bàn thờ Thần Tài để cầu tài lộc cho một năm mới làm ăn thuận lợi.

Phong tục vía Thần Tài của người Việt Nam
Phong tục vía Thần Tài của người Việt Nam

Ngày vía thần Tài là gì?

Thần Tài trong tín ngưỡng phương Đông là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền tài cho gia chủ. Ngày vía Thần Tài là ngày người dân chọn ra nhằm mục đích cúng vị Thần Tài để được phù hộ độ trì, đồng hành cùng gia chủ trên con đường thăng tiến, hướng đến thành công như ý.

Ngày mùng 10 Âm lịch hàng tháng được chọn làm ngày Thần Tài. Nhưng ngày quan trọng nhất vẫn là ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, gia chủ làm ăn kinh doanh chú tâm chuẩn bị cho lễ cúng đủ đầy để Thần Tài gõ cửa.

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày vía Thần Tài

Chuyện xưa kể rằng, Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống dưới hạ giới do uống rượu say, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai. Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần Tài mặc trên người bị người dân đem đi bán.

May thay, khi Thần Tài đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng bán gà, vịt mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng.

Một thời gian sau, cửa hàng đó làm ăn sa sút, vắng khách do chủ nhà thấy Thần Tài không làm gì, ăn bốc nên không cho ở nữa. Thấy vậy, nhiều người kinh doanh khác đến mời Thần Tài về, đưa đi mua quần áo mới để mặc. Cũng may, Thần Tài tìm đến đúng cửa hàng đã mua lại quần áo lúc trước rồi mặc lại quần áo của mình, đội mũ bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.

Để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần Tài. Từ đó, vào ngày này hàng năm người dân lại sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm.

Các phong tục trong ngày vía Thần Tài

Phong tục cúng Thần Tài và mua vàng trong ngày vía Thần Tài
Phong tục cúng Thần Tài và mua vàng trong ngày vía Thần Tài

Cúng vía Thần Tài

Trong ngày vía Thần Tài, nhiều nhà sẽ lau dọn ban thờ Thần Tài, chuẩn bị lễ cúng chu đáo hơn những ngày thường để thể hiện sự thành tâm, cầu may mắn và tài lộc cho gia đình mình.

Lễ cúng Thần Tài tùy theo phong tục của từng vùng miền, nhưng thường là bộ "tam sên" gồm thịt heo luộc, tôm luộc, trứng luộc hay mâm cỗ mặn gồm các lễ vật như một lọ hoa, một con tôm, một con cá lóc nướng, một con cua, một miếng heo quay, một bộ giấy tiền vàng mã, một đĩa ngũ quả, chung rượu.

Việc chào đón Thần Tài được thực hiện từ sáng sớm ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch. Gia chủ tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo tươm tất chỉnh tề, trong nhà nên mở tất cả các cửa, nhất là cửa sổ đối diện với hướng Tây - đây được coi là hướng Tài Lộc, để đón nhận năng lượng tích cực nhất. Ngày này cũng nên giữ tâm trạng vui vẻ, phấn khởi và tránh cãi cọ hoặ to tiếng, làm những điều không hay.

Đi mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài

Theo quan niệm xưa cho rằng mua vàng vào ngày vía Thần Tài thì sẽ được may mắn, tài lộc cho cả năm. Nên cứ đến ngày vía Thần Tài nhiều người sẽ mua vàng để cúng trên ban thần tài và tích trữ cho cả năm. Cầu cho một năm hanh thông, đắc tài đắc lộc, tiền bạc cả năm được rủng rỉnh, đầy túi. Ngoài vàng cũng có thể mua các đồ vật phong thủy bằng vàng, các sản phẩm như cóc ngậm tiền, đá phong thủy,...

Xem thêm Các phong tục trong ngày Tết Nguyên Đán

Vía Thần Tài là phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, không phải là nghi lễ của Phật giáo. Đạo Phật không chủ trương thờ thần, những thành tựu trong đời sống đều do phước đức của tự thân đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại mà có được, chứ không phải nhờ thần linh phù hộ.

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.