Ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch là ngày Tết truyền thống tại Việt Nam và một số nước Đông Á. Ngày này được gọi là Tết Đoan Ngọ. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ trưa. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí - thuộc dương của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc.

Bánh tro và cơm rượu trong ngày Tết Đoan Ngọ

Nguồn gốc ngày Tết Đoan Ngọ

Có một truyền thuyết là vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết diệt sâu bọ, có người gọi nó là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Các hoạt động vào ngày Tết Đoan Ngọ

Phong tục hái thuốc và treo bó xông trong ngày Tết Đoan Ngọ

Vào ngày Tết Đoan Ngọ các gia đình dậy sớm, tất bật mua sắm, chuẩn bị lễ cúng chay hoặc cúng mặn. Sau khi tạ lễ, thụ lộc, mọi người quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ và cùng hướng đến một mùa hè tốt đẹp.

Phong tục đi hái thuốc ngày Tết Đoan Ngọ bởi vì người ta cho rằng trong ngày này dược tính đạt mức cao nhất. Các loại thảo mộc được hái nhiều nhất là trà, ngải cứu, đinh lăng, lá bưởi, lá trầu không… Bên cạnh đó, tục treo ngải cứu bảo vệ sức khỏe và tắm nước lá mùi, có thể thay bằng các lá tía tô, lá bưởi, kinh giới…cũng được nhiều gia đình thực hiện.

Ngày nay, tập tục ngày Tết Đoan Ngọ ít nhiều thay đổi, chẳng mấy ai còn nghĩ đến tục lệ hái thuốc nữa mà ngày này trở thành một ngày để gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Dẫu vậy nhưng ý nghĩa sâu xa của ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được giữ nguyên, đó là ngày để người dân thể hiện sự cảm tạ với trời đất, với thiên nhiên.

Các món ăn ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan ngọ là dịp người ta thường ăn tết ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan ngọ người ta ăn bánh tro, cơm rượu, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy.

Bánh tro hay bánh gio đã trở thành món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan ngọ ở Nam Trung Bộ và Miền Nam Việt Nam. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như banh ú, bánh gio và bánh âm, và có vài biến thể khác nhau theo địa phương. Người ta làm bánh bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật.

Cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa. Cơm rượu miền Bắc thường là cơm rượu gạo lức hay cơm rượu nếp cẩm. Cơm rượu miền Bắc thường rời, hạt nếp không quá mềm và vị rượu nồng hơn. Cơm rượu nếp miền Trung thường có hình dáng vuông vức. Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.

Rượu nếp hay cái rượu cũng là món ăn được nhiều người ưa thích trong tết Đoan ngọ; uống rượu hoặc ăn rượu nếp để giết sâu bọ.

Chè hạt sen nấu cùng bột sắn dây và chè đậu đen có tác dụng giải nhiệt. Tiết trời đầu tháng 5 nắng nóng, dễ sinh các bệnh nhiệt trong người, chè hạt sen, chè đậu đen được nhiều gia đình lựa chọn làm món tráng miệng.