Ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm là ngày lễ Thất Tịch hay còn gọi là lễ tình nhân phương Đông, là ngày mà nhiều người ở một số quốc gia Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,... tưởng nhớ đến sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ.
Truyền thuyết về Ngưu Lang - Chức Nữ
Có rất nhiều truyền thuyết về Ngưu Lang - Chức Nữ, sau đây là các truyền thuyết được nhiều người biết tới.
Tương truyền rằng, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ, lương thiện, đã dành được tình cảm của nàng tiên dệt vải là Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.
Hai người đã kết duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.
Nhưng một ngày kia, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo, nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế rồi Ngưu Lang nhất định ở đó chờ đợi, mãi không chịu rời đi.
Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Vương Mẫu vì cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang, đã đồng ý cho họ mỗi năm vào ngày Thất Tịch - ngày mồng 7 tháng 7 Âm lịch được gặp nhau một lần.
Hai người gặp lại, vui mừng khôn xiết, nước mắt của họ ứa ra rơi xuống trần gian tạo thành mưa, dân gian gọi đó là mưa ngâu.
Tại Việt Nam, truyền thuyết về cặp đôi này đề cập đến việc Ngưu Lang - một tiểu tiên đảm nhận việc chăn trâu của Ngọc Hoàng vì quá say đắm Chức Nữ - tiểu tiên dệt vải trên thiên đình nên đã bỏ bê công việc của mình. Đáp lại tình cảm đó, Chức Nữ cũng vì động lòng với Ngưu Lang nên cũng đã khiến việc dệt vải của mình chậm trễ. Đến khi Ngọc Hoàng phát hiện liền ra chỉ thị trách phạt hai người bằng cách tách họ ra, người đầu sông Ngân, người cuối sông.
Quá đau lòng, Chức Nữ suốt ngày oán than rửa mặt bằng nước mắt. Những giọt nước mắt này rơi xuống trần gian tạo thành mưa ngâu. Cảm động tình cảm đôi lứa dành cho nhau, Ngọc Hoàng liền sai người cho xây một chiếc cầu bắt ngang qua dòng sông Ngân để Ngưu Lang - Chức Nữ có thể gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày mồng 7 tháng 7 Âm lịch.
Tuy nhiên, những người được Ngọc Hoàng sai đi xây cầu lại chẳng lo làm việc mà cãi nhau chí chóe. Ngọc Hoàng tức giận hóa đám tiểu tiên lắm chuyện này trở thành một đàn quạ và cứ hễ tới ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm, đám quạ này phải có nhiệm vụ kết cánh tạo thành cây cầu cho đôi uyên ương gặp gỡ.
Lễ Thất Tịch ở Trung Quốc
Thất Tịch là một lễ hội quan trọng của người Trung Quốc. Theo như tên gọi, ngày này luôn rơi vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, vì thế người Trung Quốc còn gọi là Lễ hội Trùng Thất hay còn được coi là ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau hàng năm.
Ở Trung Quốc, ngày này còn có các tên gọi khác như ngày Khất xảo tiết, ngày Thất thư đản, ngày Xảo tịch - Qixi.
Có nhiều hình thức tổ chức lễ hội trong dịp Tiết Thất Tịch tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phong tục phổ biến nhất vào dịp này là vào đêm ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch, những người phụ nữ cầu nguyện để có được đôi bàn tay khéo léo. Trong ngày này, các cô gái trẻ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo để cầu mong lấy được ông chồng tốt.
Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản
Nhật Bản cũng có lễ hội Thất Tịch, kỷ niệm ngày gặp gỡ giữa Orihime (Chức Cơ) tức sao Chức Nữ và Hikoboshi (Ngạn Tinh) tức sao Ngưu Lang, được gọi là lễ Tanabata.
Vào ngày lễ hội, người Nhật viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu khấn Orihime sẽ giúp họ khéo léo hơn trong công việc may vá, viết chữ đẹp cũng như mong muốn Hikoboshi sẽ mang đến cho họ những vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng.
Ngoài ra nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm được ý trung nhân. Đặc biệt, đối với trẻ em, Tanabata Matsuri là một ngày hội lớn. Ở trường và ở nhà, bọn trẻ sẽ cùng nhau trang trí cho các cành trúc mà ở đó chúng sẽ treo những mảnh giấy ghi rõ mơ ước của mình.
Một trong những biểu tượng đáng nhớ của Tanabata ở Sendai là những cột giấy Fukinagashi với năm màu sắc sặc sỡ được ví như những sợi chỉ may vá của Orihime. Với độ cao trung bình từ 5 - 6m, Fukinagashi là một trong bảy vật trang trí được xem như vật trung gian mang lời cầu nguyện của con người đến với tổ tiên và thần linh.
Lễ Thất Tịch ở Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, lễ Thất Tịch gọi là Chilseok. Chilseok là một lễ hội truyền thống của Hàn Quốc cũng bắt nguồn từ lễ hội Qixi ở Trung Quốc. Chilseok rơi vào khoảng thời gian khi thời tiết nóng nực qua đi và mùa mưa bắt đầu, mưa rơi trong ngày này được gọi nước Chilseok.
Bí ngô, dưa chuột và dưa hấu bắt đầu phát triển mạnh trong thời gian này, vì vậy chúng được dùng rất nhiều trong lễ hội.
Trong lễ hội Chilseok, người Hàn Quốc sẽ tắm với mong muốn đem lại một sức khỏe tốt. Ngoài ra, họ còn ăn mì và bánh nướng. Chilseok được biết đến như là lễ hội để thưởng thức đồ ăn làm từ lúa mì bởi sau ngày lễ Chilseok, những cơn gió lạnh sẽ làm hỏng hương vị của lúa mì.
Lễ Thất Tịch ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ngày lễ Thất Tịch hay còn gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”. Vào ngày này trời thường mưa, người ta gọi là mưa ngâu, mưa là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Dân gian có câu: "Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền".
Trong ngày lễ, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên son sắt. Nếu trời không mưa, các đôi thường cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ và thề hẹn. Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 thì sẽ mãi mãi bên nhau.