Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 6/11 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang (International Day for Preventing the Exploitation of the Environment in War and Armed Conflict)

Ngày Quốc tế Phòng chống khai thác môi trường trong Chiến tranh và xung đột vũ trang

Trong suốt những năm vừa qua, một thực tế dễ dàng nhận thấy là các thiệt hại về người (dân thường và binh sĩ tử vong hay bị thương) và các thiệt hại vật chất (thành phố hay các sinh kế bị phá hủy) bắt nguồn từ các cuộc xung đột vũ trang luôn luôn được xem xét và chứng thực. Tuy nhiên, môi trường lại thường xuyên là một nạn nhân thầm lặng.

Để đạt mục đích duy nhất là có được một lợi thế quân sự, người ta có thể sẵn sàng làm ô nhiễm nguồn nước, đốt cháy các loại cây trồng, tàn phá rừng, hay khiến đất đai bị nhiễm độc và động vật bị giết hại.

Các cuộc xung đột bắt nguồn và được thúc đẩy từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó, những vấn đề liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thường chiếm tỷ lệ lớn.

Theo Liên hợp quốc, kể từ năm 1990, ít nhất 17 cuộc xung đột bạo lực có liên quan đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) từng lưu ý rằng, trong vòng 60 năm vừa qua, ít nhất 40% tất cả các cuộc xung đột nội bộ có liên quan đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc các nguồn tài nguyên có giá trị như: gỗ, kim cương, vàng và dầu mỏ; hoặc khan hiếm các nguồn tài nguyên như đất đai màu mỡ và nước.

UNEP cũng đã nhấn mạnh, các cuộc xung đột liên quan đến tài nguyên thiên nhiên thường có nguy cơ xảy ra cao gấp hai lần so với các cuộc xung đột bắt nguồn từ những nguyên nhân khác.

Chính vì vậy, theo Liên hợp quốc, điều đặc biệt quan trọng là bảo vệ môi trường cần được xem là một phần của các chiến lược ngăn ngừa xung đột và gìn giữ, củng cố hòa bình, vì không thể có hòa bình bền vững nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái mà con người phụ thuộc bị phá hủy.

Chương trình Môi trường Liên Hiệp QuốcChương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme — UNEP) là một cơ quan của LHQ điều phối các hoạt động môi trường của Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các chính sách và các cách làm hợp lý về môi trường. Chương trình do Maurice Strong, Giám đốc đầu tiên thành lập, do kết quả của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường Con người (Hội nghị Stockholm) tổ chức vào tháng 6 năm 1972. Các hoạt động Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến bầu khí quyển, hệ sinh thái dưới nước và trên cạn, quản trị môi trường và kinh tế xanh. Chương trình có vai trò to lớn trong việc phát triển các hiệp ước môi trường quốc tế, quảng bá khoa học môi trường và thông tin và minh hoạ cách chúng có thể được áp dụng kết hợp với chính sách, phát triển và thực hiện những chính sách với chính phủ các quốc gia, các tổ chức khu vực kết hợp với những tổ chức phi chính phủ về môi trường (NGOs). Chương trình cũng đã và đang hoạt động trong việc tài trợ và thực hiện các dự án liên quan đến phát triển môi trường.