Năm 1981, Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 3 tháng 12 hàng năm là ngày kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Đây là một ngày được công nhận cho việc kỷ niệm những thành tựu của những người khuyết tật trên toàn thế giới. Cũng là một ngày mà chúng ta nâng cao nhận thức về những thách thức mà hơn 1 tỷ người khuyết tật phải đối mặt và vai trò của cộng đồng - xã hội trong việc đẩy mạnh xóa bỏ các rào cản bao gồm xã hội, công bằng, sự tham gia và quyền công dân.
Lịch sử Ngày Quốc tế Người Khuyết tật
Trong năm 1976, Đại hội đồng Liên hiệp quốc công bố năm 1981 là Năm quốc tế về người khuyết tật. Thập kỷ của Liên hiệp quốc về người khuyết tật đã được tổ chức từ năm 1983 đến năm 1992 để cho phép các chính phủ và các tổ chức thực hiện các biện pháp cải thiện cuộc sống của người khuyết tật trên toàn thế giới.
Ngày 14 tháng 10 năm 1992, khi thập kỷ này kết thúc, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố ngày 3 tháng 12 là Ngày Quốc tế của Người khuyết tật - International Day of Disabled Persons. Ngày này được công nhận lần đầu tiên vào ngày 3 tháng 12 năm 1992.
Vào ngày 18 tháng 12 năm 2007, Hội đồng Liên hợp quốc đã thay đổi tên của ngày này từ International Day of Disabled Persons thành International Day of Persons with Disabilities. Tên mới được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2008.
Các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết tật
Mỗi năm, Liên Hợp Quốc công bố một chủ đề của Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Các chủ đề hàng năm chủ yếu bao quát về cách xã hội có thể phấn đấu thông qua việc loại bỏ các rào cản vật chất, công nghệ và thái độ đối với người khuyết tật.
Chủ đề Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm 2018 là Trao quyền cho người khuyết tật và đảm bảo tính toàn vẹn và bình đẳng. Theo Liên Hợp Quốc, chủ đề của năm 2018 tập trung vào việc trao quyền cho người khuyết tật cho một sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững như một phần của Chương trình phát triển bền vững 2030.
Cũng trong ngày này, nhiều người từ các quốc gia trên thế giới tham gia vào nhiều cách khác nhau để quảng bá Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Các sự kiện có thể bao gồm triển lãm nghệ thuật quảng bá tác phẩm nghệ thuật của người khuyết tật. Các sự kiện khác mang hình thức mít tin để làm nổi bật những khó khăn của người khuyết tật trong xã hội.
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, hành động nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật; trong đó có phần đóng góp quan trọng của Nhà nước, cộng đồng xã hội, các tổ chức quốc tế cũng như bản thân người khuyết tật. Người khuyết tật được trợ cấp xã hội, được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế...