Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng Tám - Ngày 15 tháng 8 Âm lịch hàng năm, còn được gọi là Tết trông Trăng, Tết hoa đăng hay Tết đoàn viên...
Nguồn gốc ngày Tết Trung Thu
Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung Thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung Thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung Thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân-Thu. Có lẽ Trung Thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa.
Ý nghĩa ngày Tết Trung Thu
Vào ngày Tết Trung Thu, bố mẹ bày cỗ thường là các loại bánh trái, trà nước cho các con ăn uống mừng Trung Thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến treo trong nhà và để các con rước đèn. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quý mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình cảm của mọi thành viên trong gia đình lại càng khắng khít thêm. Ngoài ra, cũng trong dịp này mọi người thường mua bánh Trung Thu, trà rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.
Tết Trung Thu mới đầu là Tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, uống trà và ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết Trẻ Em hay Tết Nhi Đồng. Trẻ em sẽ được người lớn tặng đồ chơi, lồng đèn,... được ăn bánh Trung Thu, xem múa lân và vui chơi thỏa thích.
Ngày xưa, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị…
Phong tục rước lồng đèn và phá cỗ ngày Tết Trung Thu
Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục treo đèn bày cỗ do điển xưa về việc vua Đường Minh Hoàng. Vào ngày sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó thành tục.
Lồng đèn có khung làm từ tre và được dán giấy mỏng hoặc giấy bóng kiếng với nhiều hình dáng của các con vật và được tô vẽ thêm các màu sắc rất đẹp mắt. Lồng đèn được thắp sáng bằng nến còn gọi là đèn cầy. Hiện nay, có thêm loại lồng đèn làm bằng nhựa, được thắp sáng bằng bóng đèn sử dụng pin và có thể phát ra tiếng nhạc.
Tại một số vùng nông thôn, những nơi mà quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm. Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn.
Mâm cỗ ngày Tết Trung Thu thường gồm những loại hoa quả đặc trưng vùng miền vào mùa Thu và một món bánh gọi là bánh Trung Thu. Từ truyền thống Choiđến hiện đại, bánh Trung Thu ngày càng đa dạng khi các nhà sản xuất sáng tạo trong sử dụng các nguyên liệu và thực phẩm khác nhau đưa vào nhân bánh. Tuy nhiên, dựa theo nguyên liệu và cách làm thì chỉ có hai loại bánh Trung Thu là bánh nướng và bánh dẻo.
Phá cỗ Trung Thu là một phong tục văn hóa dân gian được hiểu là thời điểm mọi người quây quần lại bên mâm cỗ và đồng thanh hô... phá cỗ! sau đó lần lượt dỡ bánh, trái cây xuống, chia phần cho trẻ nhỏ và mọi người cùng thưởng thức bánh, uống trà và đón khoảnh khắc Trung Thu cùng nhau. Người lớn thì trò chuyện, trẻ nhỏ thì vui đùa, cả không gian đầy ắp niềm vui và hạnh phúc.