Tết Trùng Cửu

Tết Trùng Cửu, còn gọi Tết Trùng Dương, Tết hoa cúc, là phong tục cổ truyền diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch hằng năm ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và một số nước châu Á.

Tết Trùng Cửu

Nguồn gốc lịch sử ngày Tết Trùng Cửu

Có rất nhiều truyền thuyết về Tết Trùng Cửu (do sự lặp lại 2 lần của con số 9), tuy nhiên đa số đều cho rằng Tết Trùng Cửu có nguồn gốc từ Trung Hoa, dù vậy cụ thể từ khi nào vẫn không nhất quán bởi chỗ thì nói có xuất xứ từ thời Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên), chỗ thì nói từ thời Đường (618 - 907)…

Năm 221 trước Công nguyên, sau khi thống nhất đất nước Trung Hoa, nhà Tần đã tổ chức hoạt động cúng tế chúc mừng mùa màng bội thu vào tháng 9 âm lịch hằng năm trên khắp cả nước. Ngày mùng 9 tháng 9 được xem là ngày rất tốt lành và tết Trùng Cửu ra đời từ đó, mang ý nghĩa chúc mừng mùa màng bội thu. Tuy nhiên lịch sử đã đem đến cho tết Trùng Cửu thêm nhiều ý nghĩa khác. Tết Trùng Cửu còn có một cách nói khác là "Từ thanh", chính là "tạm biệt thảm cỏ xanh".

Dẫu vậy, điều có thể đúng nhất, theo quan niệm của người Trung Hoa, là con số 9 mang ý nghĩa tốt lành, tượng trưng cho sự trường thọ, vì vậy mà còn được cho là tết của người cao tuổi, tết người già. Ở Nhật Bản, Tết Trùng Cửu cũng là ngày lễ hội của hoa cúc, song vẫn không rõ xuất hiện từ khi nào.

Ý nghĩa ngày Tết Trùng Cửu

Cũng như nhiều ngày lễ, tết khác ở Việt Nam, ngày Tết Trùng Cửu được bắt nguồn từ Trung Quốc rồi theo thời gian dần du nhập vào nước ta. Tết Trùng Cửu là ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Con số 9 là "Cửu" và được coi là số dương, và do lặp lại hai lần số 9 nên gọi là Trùng Cửu, Trùng Dương. Ngoài ra, vì Tết Trùng Cửu là tiết khí cao nhất, đẹp nhất trong mùa của một năm nên còn ngụ ý sinh mệnh dài lâu, khỏe mạnh và là ngày tết tượng trưng cho sự trường thọ.

Các hoạt động ngày Tết Trùng Cửu

Tết Trùng Cửu khi xưa

Tết Trùng Cửu cũng được người Hoa gọi là Tết người cao tuổi hay Tết người già. Kính trọng người cao tuổi,quan tâm đến mọi mặt và chăm sóc người cao tuổi đã trở thành nhiệm vụ, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người con, mỗi gia đình, mỗi một vùng miền và cả nước Trung Quốc. Do vậy hằng năm đến Tết Trùng Dương, khắp các nơi trong cả nước Trung Quốc đều tổ chức các hoạt động mang đề tài kính lão trọng già. Nhiều người Trung Quốc dìu già dắt trẻ, đi leo núi, ngắm hoa cúc, ăn bánh bò,...

Xưa, ở Việt Nam các nho sĩ sẽ tổ chức leo núi, uống rượu, cùng nhau tận hưởng không khí của mùa thu, cùng nhau ngâm thơ, chia sẻ kiến thức thi ca.

Ngày nay, Tết Trùng Cửu không được phổ biến như trước bởi người dân chủ yếu sống ở vùng đồng bằng, ít đồi núi. Nên chỉ còn giữ lại ý nghĩa kính lão và hiếu thuận. Cho nên vào ngày này hàng năm dù có bận rộn, vất vả mọi người cũng sẽ dành nhiều thời gian ở bên cha mẹ của mình, cùng ăn bữa cơm gia đình ấm cúng.

Tết Trùng Cửu là một ngày Tết cổ của dân tộc nên giờ đây vào ngày này, người Việt thường chỉ thắp nhang để tưởng nhớ chứ không làm mâm cỗ linh đình như những ngày lễ tết lớn khác trong năm.

Một số người dân quan niệm rằng, vào 9/9 âm lịch hàng năm nếu mua vàng rồi tích trữ trong nhà sẽ mang lại nhiều may mắn, giữ được lộc trong suốt cả năm. Chính vì lẽ đó mà người người nhà nhà đua nhau mua vàng vào dịp Tết Trùng Cửu.