Ngày 16/11/1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp Quốc (UNESCO) thông qua Ngày Quốc tế Khoan dung và lấy ngày 16/11 hàng năm làm Ngày Quốc tế Khoan dung (International Day of Tolerance). Đại diện của 185 quốc gia đã ký vào bản Tuyên bố đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 của UNESCO.

Theo đó, 185 quốc gia cam kết “tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng phong phú các nền văn hóa của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người”. Các quốc gia cũng công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, song đều có quyền được sống trong hòa bình và duy trì cá tính của mình.

Thông điệp kêu gọi hưởng ứng ngày Quốc tế Khoan dung

Nhiều năm nhìn lại có thể thấy Ngày Quốc tế Khoan dung chưa thật sự đi vào cuộc sống. Rất nhiều người dân còn chưa biết tới ngày quốc tế này chứ chưa nói tới những ý tưởng cao đẹp của nó.

Chính vì thế mà cuộc đấu tranh hướng tới sự khoan dung, chống lại mọi hình thức phân biệt, kỳ thị vẫn còn rất nan giải. Việc con người dễ bị tổn thương trước mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, ngôn ngữ, giới tính… vẫn là một thực trạng nhức nhối và phổ biến trên thế giới.

Hiện nay việc thực hiện các quyền con người, kể cả các quyền xã hội, kinh tế, văn hóa, dân sự và chính trị, đang bị ngăn cản do phân biệt đối xử. Trong đó, phụ nữ vẫn là những người bị phân biệt và thiệt thòi nhất. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mặc dù thực hiện 2/3 số giờ lao động của toàn thế giới và tạo ra một nửa lượng lương thực cho toàn cầu nhưng phụ nữ chỉ nhận được 10% thu nhập của toàn thế giới và sở hữu ít hơn 1% tài sản của hành tinh.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là xu hướng gia tăng xung đột vì mâu thuẫn sắc tộc. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều điểm nóng xung đột, bạo lực từ châu Âu tới Nam Á, Trung Đông và châu Phi mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, chỉ sống bên cạnh nhau là chưa đủ, mà còn cùng chung sống trong sự khác biệt và lòng khoan dung lớn lên mỗi ngày sẽ giúp chúng ta chống lại sự bài ngoại, phân biệt đối xử và thù hận. Khoan dung dạy chúng ta dung hòa các quyền phổ quát cùng tập hợp chúng ta lại và sự đa dạng làm phong phú thêm cho mỗi chúng ta. Nó cũng cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn cần đến người khác trong sự đa dạng của họ, để hoàn thiện chính bản thân mình.

Thế giới hưởng ứng ngày Quốc tế Khoan dung

Liên Hiệp Quốc hay Liên Hợp Quốc (thường viết tắt là LHQ) là một tổ chức quốc tế (tiếng Anh là United Nations, viết tắt là UN) có mục đích duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

Tổ chức Lao động Quốc tế, viết tắt ILO (tiếng Anh: International Labour Organization) là một cơ quan đặc biệt của Liên Hiệp Quốc liên quan đến các vấn đề về lao động. ILO ra đời năm 1919 sau Hiệp ước Versailles và là thành viên của Hội Quốc Liên. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc và Hội Quốc Liên giải tán, Tổ chức Lao động Quốc tế trở thành một thành viên của Liên Hiệp Quốc.