Máy quét hình (Scanner) là một thiết bị kết nối bên ngoài với máy vi tính, nó giúp bạn chụp và lưu lại những hình ảnh, tài liệu của mình vào máy vi tính dưới dạng tập tin ảnh. Những tập tin ảnh này sẽ được lưu trữ trên ổ dĩa của máy tính và nếu cần có thể in ra bằng máy in hoặc chia sẻ với những người khác bằng cách gửi kèm theo thư điện tử (Email) hoặc đưa lên các trang web.
Các loại máy quét hình thông dụng
Máy quét hình cầm tay (Hand-Held)
Loại này nhỏ gọn, cơ động, thích hợp khi chỉ cần quét một vùng nhỏ hoặc trên bề mặt lớn, cồng kềnh và cố định. Loại này thường có chất lượng thấp và tùy thuộc vào thao tác của người cầm máy. Một trong các ứng dụng thường thấy của loại này là dùng để quét các mã vạch của hàng hóa.
Máy quét hình nạp giấy (Sheet-fed)
Máy quét hình loại này có cơ chế hoạt động nạp giấy theo từng trang giống máy in, thích hợp khi có nhu cầu quét tự động nhiều trang tài liệu dạng rời. Loại này cho chất lượng ảnh ở mức trung bình và không thể quét được các tài liệu đã đóng thành cuốn.
Máy quét hình phẳng (Flatbed)
Đây là loại thông dụng với cơ chế hoạt động tương tự như máy Photocopy. Ảnh cần quét sẽ được đặt cố định trên mặt kính phẳng và đèn quét sẽ di chuyển để quét ảnh. Loại này cho chất lượng ảnh cao nhất. Một số dòng máy loại này có thêm chức năng quét phim giúp chuyển các ảnh chụp từ phim sang ảnh số.
Máy quét hình 3 chiều (3D Scanner)
Loại máy quét này có khả năng quét các vật thể 3 chiều thường được sử dụng để tạo các mô hình 3 chiều hữu ích cho nhiều ứng dụng. Loại máy quét này thường được sử dụng trong ngành công nghiệp giải trí để sản xuất phim và các trò chơi video ngoài ra còn dùng trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp.
Máy quét hình đa chức năng
Loại máy quét/in đa chức năng (Scan, print, photocopy, fax,...) vừa có chức năng quét hình và vừa có thể in trắng đen (Laser) hoặc in màu (in phun màu hoặc in Laser màu). Đây là loại máy thường được sử dụng nhiều trong các văn phòng nhỏ.
Lựa chọn máy quét hình như thế nào cho phù hợp với nhu cầu sử dụng luôn là điều băn khoăn của nhiều người. Bài viết này sẽ chỉ đề cập đến máy quét hình phẳng (Flatbed), đây là loại thông dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng của cá nhân, gia đình và trong công việc.
Các thông số cần chú ý khi lựa chọn máy quét hình
Nhà sản xuất
- Chọn máy hiệu gì? Lựa chọn nhà sản xuất luôn là điều băn khoăn đầu tiên. Quả thật là không thể nói hiệu nào tốt hơn hiệu nào bởi vì mỗi nhà sản xuất đều có những dòng sản phẩm dành cho những đối tượng sử dụng khác nhau. Chẳn hạn như bạn sẽ dễ dàng tìm thấy các máy quét của Canon với thiết kế gọn nhẹ và rẻ tiền rất phù hợp với như cầu sử dụng thông thường trong gia đình. Các máy quét hình cao cấp tập trung mạnh vào việc hỗ trợ xử lý ảnh số của Epson luôn là sự lựa chọn của nhiều chuyên viên đồ họa. Đa chức năng và phần mềm nhận dạng văn bản kèm theo, các dòng máy quét hình của HP thường là sự ưu tiên lựa chọn cho các công việc văn phòng. Ngoài ra các dòng máy quét hình phù hợp với nhu cầu sử dụng của các nhà sản xuất khác cũng rất đáng được quan tâm.
- Sự tương thích và đồng bộ giữa các thiết bị cũng rất đáng để quan tâm vì nó có thể cho ra những sản phẩm có chất lượng đồng nhất. Nếu bạn đang sở hữu một máy in thì việc trang bị thêm một một máy quét hình có cùng nhà sản xuất thường sẽ tối ưu hơn là của một hãng khác.
Bộ cảm biến ảnh (Sensor)
- Đa số các máy quét thông thường sử dụng cảm biến CCD (Charge Coupled Device). Các đơn vị này sử dụng một ống kính quang học, thường giống như một ống kính máy ảnh tốt, và một hệ thống gương, tập trung hình ảnh vào các tế bào CCD. CCD là một thiết bị tương tự (Analog), nó cần một bộ phận chuyển đổi A/D (Analog/Digital). Tất cả điều này làm tăng thêm chi phí đáng kể và kích thước, nhưng đa số các máy quét phẳng đều sử dụng bộ cảm biến CCD cho chất lượng hình ảnh tốt nhất (ít nhễu, dải chuyển màu tốt, và tính đồng nhất của màu sắc).
- Các máy quét nhỏ gọn và siêu mỏng hiện nay sử dụng một chip CIS khác. Các đơn vị CIS này nhỏ và rẻ tiền, không có hệ thống quang học (không có ống kính, gương, đèn, và bộ phận chuyển đổi A/D). CIS thường có nguồn ánh sáng LED tích hợp bên trong bộ cảm biến. Các cảm biến CIS có kích thước lớn hơn chiều rộng của bề mặt quét, nó chỉ hoạt động ở khảng cách rất gần (tiếp xúc) với bề mặt quét. Điều này có nghĩa là bất cứ gì không chạm vào kính sẽ không được sắc nét, làm cho CIS không phù hợp với chức năng quét các đối tượng 3D. Các máy quét sử dụng CIS cũng được ưa chuộng vì có giá thành rẻ, ít tiêu hao năng lượng (sử dụng nguồn điện thông qua cổng USB) và có kích thước nhỏ gọn.
Độ phân giải (Resolution)
- Độ phân giải là yếu tố quan trọng quyết định đến độ rõ nét của hình ảnh sau khi quét. Độ phân giải quét lớn sẽ giúp tạo ra nhiều điểm ảnh hơn, để có được hình ảnh kích thước lớn hơn.
- Độ phân giải của máy quét hình cũng được phân làm 2 loại, đó là độ phân giải quang học (optical resolution), đây là độ phân giải thực của máy quét và độ phân giải nội suy có được là do sự hỗ trợ của phần mềm và không đáng quan tâm đến mặc dù có thông số khá lớn thường được quảng cáo là độ phân giải tối đa.
- Thông số kỹ thuật về độ phân giải quang học thường được ghi với hai con số, như là 1200x2400 dpi. Trong đó con số dpi nhỏ hơn chính là độ phân giải quang học của bộ cảm biến ảnh. Một máy quét 1200 dpi có 1200 mẫu màu trên một inch (tạo ra 1200 pixel / inch) theo chiều ngang. Số dpi lớn hơn có được là do sự dịch chuyển cơ học theo chiều dọc của bộ phận quét hình.
- Độ phân giải cần thiết để in ảnh kỹ thuật số là 300 dpi và để đưa lên trang web là 72 pdi, trong khi nếu muốn phóng to ảnh thì có thể phải cần độ phân giải 600 dpi, 1200 dpi, 2400 dpi hoặc cao hơn và nếu quét hình từ phim thì phải cần độ phân giải ít nhất 2700 dpi, dĩ nhiên độ phân giải cao thì giá thành cũng sẽ tăng.
Độ sâu màu (Color bit)
- Độ sâu màu là số lượng màu sắc của ảnh mà máy quét có thể nhận dạng và lưu trữ được. Hiện nay yếu tố này không còn quan trọng lắm vì hầu hết các máy quét đều có độ sâu màu khá cao là 42 hay 48 bit.
- Máy quét thường xuất hình ảnh 24 bit màu, bởi vì chúng ta cần 24 bit (256 duy nhất giá trị trong mỗi kênh RGB 8-bit) cho mục đích hiển thị bên ngoài như màn hình và máy in. Nhưng khả năng cung cấp nhiều bit hơn của máy quét sẽ giúp ích cho việc xử lý ảnh. Thực hiện điều chỉnh trên ảnh 36 bit màu và sau đó xuất ra ảnh 24 bit sẽ cho kết quả tốt hơn so với thao tác trực tiếp trên ảnh 24 bit. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là không phải chương trình xử lý ảnh nào cũng làm việc được với các ảnh có độ sâu màu cao.
Kích thước tối đa và tốc độ quét
- Kích thước tối đa của tài liệu có thể quét là khổ giấy A4 (210x297 mm), đây là kích thước của một trang tài liệu thông dụng của Việt Nam và khổ giấy Letter (216x279 mm) được sử dụng ở Mỹ.
- Tốc độ quét là khoảng thời gian thực hiện một lần quét được tính bằng giây, thời gian càng thấp thì máy quét có tốc độ càng cao. Tuy nhiên thông số tốc độ này chỉ mang tính tương đối vì còn tùy thuộc vào kích thước tài liệu, độ phân giải và chế độ quét màu hay trắng đen, kể cả tốc độ xử lý và truyền dữ liệu giữa máy quét và máy vi tính.
Chuẩn giao tiếp
- Các máy quét đời cũ sử dụng giao tiếp chung với cổng kết nối máy in (Parallel) hoặc USB 1.0. Một số máy quét cao cấp sử dụng kết nối SCSI, FireWire (IEEE-1394) cho tốc độ nhanh hơn và ổn định hơn hoặc kết nối thông qua hệ thống mạng LAN.
- Các máy quét hiện nay đều hỗ trợ kết nối với máy tính thông qua cổng USB 2.0 có tốc độ cao và thông dụng mà hầu hết các máy vi tính đều có sẵn.
Phần mềm
- Các máy quét hình đều có đĩa CD/DVD chương trình điều khiển (Driver) và phần mềm xử lý ảnh, phần mềm nhận dạng ký tự quang học (OCR - Optical Character Rocognition) cho phép quét các trang văn bản và chuyển chúng từ dạng ảnh quét (bitmap) sang dạng văn bản (text) để có thể chỉnh sửa một cách dễ dàng bằng các chương trình xử lý văn bản thông thường.
Phụ kiện kèm theo
- Tùy theo chức năng của máy quét hình mà có thể có các phụ kiện kèm theo như: Bộ cung cấp điện (Adaptor), dây kết nối (USB), bộ phận hỗ trợ quét phim (bao gồm đèn và khay gắn phim), bộ phận hỗ trợ nạp giấy tự động (thường được bán riêng).
Chế độ bảo hành
- Thời gian bảo hành cho máy quét hình thường là 1 năm (12 tháng) theo điều kiện của nhà sản xuất. Điều này có nghĩa là bạn chỉ được bảo hành khi máy quét bị hư hỏng do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất, mọi hư hỏng do sử dụng hoặc bảo quản không đúng cách (làm rơi, nứt bể kính,...) sẽ bị từ chối bảo hành.