Tết Trùng thập ngày mùng 10 tháng 10 Âm lịch còn gọi là tết của các thầy thuốc, hay là Tết Song thập, Tết Thường tân, Tết Cơm mới tháng mười,… Đối với các nhà có truyền thống Đông Y lâu đời, vào ngày Tết Trùng Thập họ sẽ làm cơm, cỗ linh đình để mời anh em, bạn bè, khách hàng lâu năm ăn uống để tăng cường thêm các mối quan hệ xã hội.

Tết Trùng Thập
Tết Trùng Thập

Nguồn gốc của Tết Trùng Thập

Theo sách Dược lễ, ngày 10 tháng 10 Âm lịch là Tết thầy thuốc. Bởi thời điểm này, các cây thuốc quý sẽ trở nên tốt nhất, nó hội tụ được khí âm dương, kết được sắc tứ thời (Xuân - Hạ - Thu - Đông).

Theo quan niệm của người dân các vùng nông thôn Việt Nam thì ngày Tết Trùng Thập là ngày Tết mừng cơm mới. Sau mùa thu hoạch, người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để dâng lên bàn thờ tổ tiên để cảm tạ trời đất, thần linh, tổ tiên đã cho họ một vụ mùa bội thu.

Đối với các ông Đồng, bà Cốt (những người có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác của mình để giao tiếp với người còn sống) đây cũng là ngày lễ quan trọng và họ sẽ làm cỗ bàn linh đình vừa là để cúng, vừa là để thiết đãi các đệ tử và bạn hàng.

Ý nghĩa của ngày Tết Trùng Thập

Theo truyền thống, một năm những người nông dân ở Việt Nam sẽ gieo trồng hai mùa vụ lúa. Một vụ sẽ được gieo trồng lúc lập xuân và vụ lúa thứ hai là vào mùa hè. Đến khoảng tháng 9 Âm lịch, khi lúa chín thì người ta sẽ thu hoạch và ngày mồng 10 hoặc ngày rằm tháng 10 Âm lịch người ta sẽ tổ chức nghi lễ cúng cơm mới để mừng cho một vụ mùa bội thu.

Theo lịch sử y học cổ truyền dân tộc, vào tháng 10 Âm lịch hàng năm, thời tiết chuyển giao rõ rệt từ mùa nóng qua mùa lạnh chính vì vậy tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các loại thuốc quý sinh trưởng nhanh cùng chất lượng tốt nhất nên ngày này cũng được coi là ngày tết của các thầy thuốc.

Các tục lệ trong ngày Tết Trùng Thập

Đối với các nhà có truyền thống Đông Y lâu đời, vào ngày Tết Trùng Thập họ sẽ làm cơm, cỗ linh đình để mời anh em, bạn bè, khách hàng lâu năm ăn uống để tăng cường thêm các mối quan hệ xã hội.

Ngày Tết Trùng Thập, các ông Đồng, bà Cốt ở khắp các miền đất nước họ cũng tổ chức ngày lễ này với nhiều hoạt động thú vị.

Tại các vùng quê đồng bằng sông Hồng, bà con sẽ đem gạo mới để làm bánh dày, thổi cơm, luộc gà và sửa soạn mâm cơm dâng cúng thần linh; phụng hiến Tổ tiên để bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, trời Phật đã cho một mùa bội thu. Sau khi cúng, họ sẽ đem bánh đi biếu bạn bè, người thân, bà con chòm xóm để mọi người cùng ăn, cùng chung vui với nhau.

Các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, khi ngô lúa đã được thu hoạch họ sẽ tổ chức ăn mừng tết cơm mới. Tết này được mùa kéo dài suốt cả tháng cho đến khi bắt đầu có mưa thì họ sẽ bắt tay vào một vụ trồng trọt mới.

Ở các vùng đồng bằng Cửu Long, vào ngày Tết Trùng Thập họ cũng làm bánh dày, bánh tét để mừng vụ mùa bội thu. Truyền thống này đã có từ xa xưa và lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Lễ mừng lúa mới

Lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới và Tết Hạ Nguyên, là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của các dân tộc Việt Nam. Lễ mừng lúa mới đối với người dân tộc thiểu số cũng quan trọng giống như dịp Tết của người Kinh vậy.

Lễ cúng được tổ chức hàng năm, với mục đích mừng mùa màng thuận lợi và để cúng tạ các vị thần đã giúp dân làng được mùa. Tùy theo từng dân tộc, các tổ chức sẽ có những đặc điểm riêng khác nhưng điểm chung thường thấy là các lễ hiến tế, ăn cơm mới…

Lễ mừng lúa mới thường được tiến hành sau khi kết thúc vụ mùa. Tại Trung Quốc, Tết Hạ nguyên được tổ chức hằng năm thường vào ngày 15 tháng 10 Âm lịch.

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.