Cúng cô hồn tháng 7 Âm lịch được xem là một hoạt động tâm linh và văn hóa của người Việt đối với những người đã chết. Cúng cô hồn nhằm mục đích cứu giúp những linh hồn khốn khổ của những người chết oan, sống lang thang không nơi nương tựa, không người thờ phụng. Đây cũng là cách người sống tin rằng sẽ không bị quấy nhiễu hoặc được phù hộ từ những oan hồn trên.

Phong tục cúng cô hồn tháng 7 Âm lịch
Phong tục cúng cô hồn tháng 7 Âm lịch

Phong tục cúng cô hồn là gì?

Theo tín ngưỡng của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, con người có hai phần là phần xác và phần hồn. Khi sống hồn và xác hòa hợp làm một, nhưng khi chết đi hồn lìa khỏi xác, xác bị phân hủy còn hồn sẽ tiếp tục tồn tại. Tùy theo nghiệp ăn ở khi còn sống mà hồn có thể được về trời, đầu thai sống ở kiếp khác hoặc bị đày xuống địa ngục.

Nếu một người bị chết oan hoặc do tác động của những nghiệp xấu, hồn không hoặc chưa được cõi nào tiếp nhận, phải lang thang, chịu đói rét, hoặc quấy rối người sống. Những linh hồn này được gọi là cô hồn.

Cúng cô hồn nhằm mục đích cứu giúp những linh hồn khốn khổ của những người chết oan, sống lang thang không nơi nương tựa, không người thờ phụng. Đây cũng là cách người sống tin rằng sẽ không bị quấy nhiễu hoặc được phù hộ từ những oan hồn trên.

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian của người xưa, vào tháng 7 Âm lịch các vong hồn được thả khỏi địa ngục và trở về dân gian. Người dân quan niệm, những vong hồn không được thờ cúng sẽ đi quấy phá người khác. Vì vậy, để bình an trong tháng này nhiều gia đình chuẩn bị mâm cỗ để cúng cô hồn.

Cúng cô hồn thường diễn ra nhiều lần trong năm thường vào các ngày 2 và 16 Âm lịch mỗi tháng, nhưng những lễ này thường những người kinh doanh sẽ cúng chứ không áp dụng cho đại đa số gia đình. Tuy nhiên, rằm tháng 7 được coi là lễ cô hồn lớn nhất trong năm, và thường nhà nào cũng làm lễ cúng.

Thời gian cúng cô hồn thường sau 12 giờ trưa, thông thường các gia đình sẽ làm lễ cúng cô hồn lúc chiều hoặc tối vào một trong các ngày từ mùng 1 đến 15 tháng 7 Âm lịch. Tuy nhiên, một số quan niệm cho rằng thời gian cúng chuẩn nhất là vào 2 ngày 14 tháng 7 Âm lịch hoặc ngày 15 tháng 7 Âm lịch vì ngày 15 Diêm Vương sẽ đóng cửa ngục lại, linh hồn nào không về kịp, sẽ vất vưởng trên nhân gian.

Cúng cô hồn như thế nào?

Một trong những món quan trọng nhất trong mâm cỗ cúng cô hồn không thể thiếu là món cháo trắng loãng. Người xưa tin rằng, đây là một món ăn dành cho những vong hồn bị đày dưới địa ngục, họ có thực quản nhỏ không thể nào ăn được các món thông thường nên cháo trắng đối với chúng sẽ dễ dàng hơn.

Theo quan niệm của người xưa thì mâm cúng cô hồn chỉ nên cúng những đồ chay, để hạn chế khơi dậy lòng tham của chúng. Nhiều gia đình cho rằng cúng càng nhiều món mặn thì càng tốt, nhưng họ lại không biết nếu làm như vậy sẽ dễ dàng khơi gợi lòng tham, sân, si của các linh hồn khiến họ khó siêu thoát.

Mâm cúng cô hồn tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, thường là 12 chén cháo trắng nấu lỏng hoặc 3 vắt cơm trắng gạo, 12 cục đường thẻ, bắp rang, mía (để nguyên vỏ, chặt thành khúc nhỏ), bánh, kẹo, trái cây, muối hột, giấy tiền vàng mã, 3 ly nước nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

Mâm cúng cô hồn
Mâm cúng cô hồn

Đặt mâm cúng trước của nhà hoặc ngoài trời, không được đem vào trong nhà. Sau khi đã hoàn thành xong lễ cúng thì rãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã ngay tại nơi cúng. Các phẩm vật cúng cho cô hồn nên bỏ đi hoặc cho súc vật ăn, không được đem đồ đã cúng cho cô hồn vào trong nhà.

Phong tục giật cô hồn

Giật cô hồn là lấy các lễ vật đồ cúng cô hồn. Với ý nghĩa là giúp đỡ, bố thí những cô hồn, ma đói để chúng không còn quấy nhiễu, gia đình mới được yên ổn làm ăn sinh sống. Nếu có người giật cô hồn đồng nghĩa với việc người đó giật đi những điều không may mắn, những điều xui xẻo của gia chủ. Từ đó mà quan niệm giật cô hồn ra đời.

Phong tục giật cô hồn
Phong tục giật cô hồn

Nhưng giật cô hồn sẽ khác hoàn toàn với việc chia phát lễ vật cúng, cùng là việc chuyển vật cúng cho người khác nhưng nó lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cũng như việc bố thí cho các linh hồn đói khát kia thì việc nếu có thế để cho những đứa trẻ nghèo giật cô hồn cũng có nghĩa là giúp đỡ cả người trần và người âm.

Cúng cô hồn là phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, không phải là nghi lễ của Phật giáo. Theo Phật giáo, những thành tựu trong đời sống đều do phước đức của tự thân đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại mà có được, chứ không phải mong chờ thần linh phù hộ.

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.