Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS - World AIDS Day là ngày lễ quốc tế được cử hành vào ngày 1 tháng 12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS.

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS
Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS

Lịch sử ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS được James W. Bunn và Thomas Netter, hai viên chức thông tin đại chúng cho Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneve, Thụy Sĩ nghĩ ra lần đầu trong tháng 8 năm 1987. Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS - nay gọi là Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS. Dr. Mann thích sáng kiến này, đã chấp thuận và đồng ý với khuyến nghị về việc tổ chức Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.

Bunn - nguyên là một nhà báo của đài truyền hình KPIX ở San Francisco, Hoa Kỳ, tạm nghỉ phép, đã tiến cử ngày 1 tháng 12 vì tin rằng ngày này sẽ được các phương tiện truyền thông phương Tây theo dõi loan tin tối đa. Vì năm 1988 là năm bầu cử ở Hoa Kỳ, Bunn cho rằng các phương tiện truyền thông sẽ chán loan tin hậu bầu cử - sau đầu tháng 11 và hăm hở tìm chuyện mới để loan tin. Bunn và Netter xác định là ngày 1 tháng 12 đủ xa sau sự kiện bầu cử và đủ sớm trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, trên thực tế, là một điểm chết trong lịch tin tức và do đó là thời gian thích hợp nhất cho việc loan tin về Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS.

Do đó, Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS đầu tiên đã diễn ra vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.

Tuy nhiên, đến năm 1996, chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (Joint United Nations Programme on HIV/AIDS - UNAIDS) mới bắt đầu hoạt động. Thay vì tập trung vào một ngày duy nhất, chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AID đã lập ra Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS vào năm 1997 để tập trung vào thông tin, phòng chống và giáo dục về HIV/AIDS quanh năm.

Từ khi bắt đầu cho tới năm 2004, chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS, cơ quan dẫn đầu chiến dịch Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS, đã lựa chọn các chủ đề hàng năm có tham khảo ý kiến các tổ chức y tế toàn cầu khác.

Tính đến năm 2008, chủ đề Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS mỗi năm đều do Ban Chỉ đạo toàn cầu của Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS lựa chọn sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi với những người, tổ chức và cơ quan chính phủ tham gia trong công tác phòng chống và điều trị HIV/AIDS.

Với hình tượng dải băng đỏ, có thể là buộc ở cổ tay hoặc được để ở những nơi trang trọng, chính là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bệnh AIDS.

HIV/AIDS trở thành một trong các dịch bệnh phá hoại nhất trong lịch sử

HIV/AIDS trở thành một trong các dịch bệnh phá hoại nhất trong lịch sử
HIV/AIDS trở thành một trong các dịch bệnh phá hoại nhất trong lịch sử

Tính đến năm 2017, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên thế giới làm cho HIV/AIDS trở thành một trong các dịch bệnh phá hoại nhất trong lịch sử.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, tính đến cuối năm 2017, khoảng 36,9 triệu người đang phải sống chung với HIV. Trong năm 2017, đã có 940.000 người thiệt mạng trên thế giới do các nguyên nhân liên quan đến HIV và 1,8 triệu ca nhiễm mới. Trong khi đó, 59% số người lớn và 52% số trẻ em sống chung với HIV đã được điều trị liệu pháp kháng Retrovirus - ART suốt đời.

Khu vực châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 25,7 triệu người sống chung với HIV trong năm 2017. Bên cạnh đó, khu vực này cũng chiếm hơn 2/3 tổng số ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và 3.000 - 4.000 người tử vong vì HIV. Vẫn còn ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình.

Hiện HIV/AIDS tiếp tục là một vấn đề y tế công cộng lớn của toàn cầu.

Xem hướng dẫn Cách phòng tránh HIV AIDS

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.